TPP và những vấn đề “hóc búa”

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trong giai đoạn nước rút. Dù đã đánh giá được thách thức lẫn cơ hội khi tham gia vào TPP nhưng nếu không có sự vận động của doanh nghiệp (DN) cộng với nỗ lực cải cách từ phía Chính phủ thì những cơ hội đó sẽ không dễ “xơi”.

TPP và những vấn đề “hóc búa”
Đối với vấn đề dệt may, Việt Nam kiên quyết không nhượng bộ. Nguồn: internet
Thách thức “mua sắm chính phủ”

Kết thúc vòng đàm phán thứ 19, nhiều lĩnh vực của TPP đã được thảo luận sơ bộ như hợp tác và xây dựng năng lực, DN nhỏ và vừa, gắn kết môi trường chính sách, tạo thuận lợi cho môi trường cung ứng, chính sách cạnh tranh…

Gần 20 lĩnh vực khác cũng đang được các thành viên tiếp tục đàm phán: Mở cửa thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, TBT (các rào cản kỹ thuật trong thương mại), SPS (các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật), cung cấp dịch vụ qua biên giới, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử, đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, lao động, môi trường, DN nhà nước…

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam cho biết, lĩnh vực được nhiều người quan tâm là thương mại hàng hóa. Yêu cầu đặt ra của TPP sẽ là WTO+, tức là hướng đến tự do hóa toàn diện. Nếu 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký tỷ lệ xóa bỏ mức thuế cao nhất là 99% thì TPP hướng đến xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu (trong đó trên 90% là xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực).

Tuy nhiên, xử lý vấn đề thuế nhập khẩu đối với hàng đã qua sử dụng cũng là vấn đề lớn đối với Việt Nam bởi rất nhiều năm chúng ta duy trì thuế nhập khẩu đối với ô tô đã qua sử dụng. “Đây lại là yêu cầu của TPP dựa trên nguyên tắc đã xóa bỏ thuế phải xóa bỏ cả hàng đã qua sử dụng”, ông Khánh nói.

Đối với nội dung đàm phán mua sắm chính phủ, theo Bộ Công Thương, các nội dung đàm phán trong chương mua sắm chính phủ trong TPP theo Hiệp định Mua sắm chính phủ của Tổ chức Thương mại thế giới (Hiệp định GPA) ở các khía cạnh: Đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia; đấu thầu rộng rãi là hình thức phổ biến để lựa chọn nhà thầu; minh bạch thông tin và thủ tục tại tất cả các khâu; có quy định để đảm bảo liêm chính trong đấu thầu và xem xét khiếu nại…

Ngoài ra, một nguyên tắc khác trong đàm phán TPP đối với nội dung mua sắm chính phủ là có quyền bảo lưu không mở cửa vì lý do quốc phòng, an ninh. Tuy vậy, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), những đòi hỏi của TPP đầy tham vọng cho thấy quá trình đàm phán là không đơn giản, thậm chí rất căng thẳng, nhất là trong các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, tiêu chuẩn lao động. Đặc biệt, mua sắm chính phủ, quy tắc xuất xứ, nông nghiệp cũng có thể là những vấn đề đầy thách thức đối với Đoàn đàm phán Chính phủ.

Dệt may không dễ “xơi”

Mặc dù trong TPP không có nhóm đàm phán riêng về dệt may nhưng đây là vấn đề tương đối tách bạch, vấn đề cốt lõi khi Việt Nam tham gia TPP. Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, trong 1.600 dòng thuế HS 8 chữ số mà Mỹ có nhập khẩu với hơn 1.000 dòng thuế có mức thuế suất bình quân là 17 - 18%. Do đó, Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ cắt giảm mức thuế quan này về 0%. “Triển vọng của TPP sẽ giúp XK dệt may Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng 13 - 20%/năm trong giai đoạn 2013 - 2017 và có thể đạt 25 - 30 tỷ USD và năm 2025”, ông Trường nói.

Triển vọng là vậy, nhưng để đạt được mức tăng trưởng này, dệt may phải đối mặt với những thách thức nhất định về quy tắc xuất xứ, vấn đề cắt giảm thuế và khả năng cạnh tranh lâu dài, nhất là quy tắc xuất xứ từ “sợi trở đi” rất ngặt nghèo, khó bởi hiện nay Việt Nam chưa có năng lực để có thể sản xuất từ sợi trở đi. Ông Khánh phân tích: “Nếu chúng ta nhập khẩu vải từ các nước TPP (trước khi Nhật Bản tham gia vào TPP) thì chỉ có Hoa Kỳ và Mexico.

Việc nhập khẩu vải từ Hoa Kỳ và Mexico về Việt Nam để sản xuất ra sản phẩm rồi xuất ngược sẽ đội chi phí giá thành, triệt tiêu lợi ích của Việt Nam. Do vậy, Việt Nam kiên quyết không nhượng bộ trong đàm phán về dệt may và đại diện đoàn đàm phán đang có những động thái tích cực để bớt “ngặt nghèo” hơn trong vấn đề quy định về quy tắc xuất xứ”. 

Được mất đều do Việt Nam

TPP có hiệu lực, tạo điều kiện để hàng hóa XK của Việt Nam được giảm thuế, mở rộng thị trường. Cơ cấu thị trường XK được kỳ vọng cũng sẽ có sự cải thiện đáng kể bởi hiện có đến 70% kim ngạch XK của Việt Nam đến các nước Đông Nam Á đã khiến cho mức độ phụ thuộc vào thị trường này ngày càng lớn. Mặt khác, hàng hóa của các nước đối tác TPP cũng nhập khẩu vào Việt Nam và cạnh tranh trực diện với các DN thuộc nhiều lĩnh vực của Việt Nam.

Bởi thế, ông Khánh cho rằng, TPP không hoàn toàn chỉ là lợi ích, mà luôn đi kèm thách thức, đòi hỏi DN phải có sự điều chỉnh, vận động để thích ứng thông qua các hoạt động đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng sản phẩm.

“Đặt giả thiết, các quốc gia trong TPP, trong đó có Hoa Kỳ đồng ý mở cửa hết thị trường cho Việt Nam, thì để tận dụng được cơ hội đó, Việt Nam phải có một hệ thống chính sách có thể nhân rộng được tác động tích cực của TPP và giảm thiểu tác động tiêu cực. Như vậy, lợi ích lớn hay nhỏ phụ thuộc rất nhiều vào phía Việt Nam”, ông Khánh cho hay.

Cùng quan điểm này, theo ông Thành, bài học sau 6 năm gia nhập WTO của Việt Nam cho thấy, cơ hội có khi lại trở thành thách thức nếu thiếu ứng xử chính sách vĩ mô thích hợp và thiếu những cải cách bên trong cần thiết. “Tận dụng được cơ hội đó tùy thuộc vào Việt Nam có vượt qua được những thách thức hay không”, ông Thành nói.

Hiện Việt Nam vẫn còn là nền kinh tế chuyển đổi, trình độ phát triển thấp, nên khoảng cách giữa đòi hỏi của TPP và năng lực thực tế của Việt Nam không hề nhỏ. Vì vậy, vị chuyên gia này khuyến cáo, Việt Nam cần nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế (khung khổ pháp lý, chế tài thực thi) để có thể đáp ứng cam kết trong TPP.

Đặt trong bối cảnh khủng hoảng, năng lực cạnh tranh của DN bộc lộ hạn chế, nền kinh tế có nhiều yếu kém, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chỉ có thể tận dụng những cơ hội mà TPP mang lại khi có những đổi mới trong chính sách vĩ mô và sự nỗ lực của DN trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh.

“Việc tham gia TPP với một “sân chơi” rộng hơn, điều kiện ngặt nghèo hơn, cơ hội mở ra lớn hơn, tuy nhiên, cần phải có sự đồng hành của cả Chính phủ và DN trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Với chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc mạnh mẽ, cũng như chủ trương nâng cao trình độ quản trị DN trong điều kiện Chính phủ thực hiện quyết liệt đổi mới cơ chế sẽ đặt ra kỳ vọng lớn để tận dụng được cơ hội từ TPP”, ông Lộc nói.