Xu thế cải cách và những chuyển động bứt phá

Theo chinhphu.vn

(Taichinh) - Gần như cùng lúc, hai ngành Thuế và BHXH có những chuyển động bứt phá trong việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 18/5, Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam - địa chỉđể người dân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch về BHXH qua môi trường internet - đã chính thức được khai trương. Sự kiện này đã nhận được sự quan tâm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông tới dự và nhấn nút khai trương.

Giảm mạnh thời gian làm thủ tục BHXH là một trong những mục tiêu nổi bật tại Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cuối tháng 3 vừa qua, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện mục tiêu này. Tại đây, Phó Tổng Giám đốc BHXH Phạm Văn Sinh đã cam kết với Thủ tướng sẽ khai trương hệ thống giao dịch điện tử BHXH trong tháng 5/2015.

Việc khai trương hệ thống này có thể coi là một bước “nhảy vọt” trong ứng dụng CNTT của BHXH, bởi như ông Sinh nói “từ 0% doanh nghiệp giao dịch BHXH điện tử như hiện nay, chúng tôi quyết tâm 90% doanh nghiệp giao dịch điện tử”. Mặt khác, với việc giao dịch điện tử, số lần giao dịch mà doanh nghiệp phải tiến hành mỗi năm sẽ chỉ còn 1 lần, so với 12 lần mỗi năm như hiện nay.

Trước sự kiện trên vài ngày, thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 19, Tổng cục Thuế cũng đã chính thức ban hành quy trình kiểm tra thuế nhằm hướng tới mục tiêu cải cách hành chính trong việc kiểm tra thuế, tránh gây phiền nhiễu cho người nộp thuế.

Mặc dù quy định này chỉđược áp dụng với cơ quan thuế và có lẽ còn cần những văn bản có giá trị pháp lý cao hơn để áp dụng với các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác, nhưng đây vẫn là một bước tiến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục thuế.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, lâu nay, quy trình thanh tra, kiểm tra thuế chưa rõ ràng đã tạo “đất” cho cán bộ thuế nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp; làm việc tùy vào cảm tính, thích thì kiểm tra, không thích thì bỏ qua… Mỗi cơ quan thanh tra, kiểm tra đều trực tiếp thanh tra theo mục đích của mình, không sử dụng kết quả của cơ quan chuyên ngành.

Nay, quy trình mới của ngành Thuế có nhiều quy định rất được trông đợi, như các Cục Thuế sẽ thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế không quá 1 lần/năm. Nếu kế hoạch kiểm tra của cơ quan Thuế cấp dưới có sự chồng chéo với kế hoạch của cơ quan Thuế cấp trên thì thực hiện theo kế hoạch cơ quan cấp trên. Trường hợp hoạt động kiểm tra có sự trùng lặp với kế hoạch thanh kiểm tra về thuế của Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính… thì Cục Thuế phải phối hợp với cơ quan này giải quyết…

Trên đây chỉ là hai trong số hàng loạt hoạt động được các bộ, ngành triển khai trong thời gian qua nhằm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ. Gần đây nhất, ngày 14/5, Bộ Công Thương đã công bố và khai trương quy trình thí điểm cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) qua mạng nhằm giải quyết một trong những “gánh nặng” nhất về thủ tục cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Cũng liên quan tới thủ tục thông quan hàng hóa, từ ngày 6/5, cơ chế một cửa quốc gia đã được chính thức triển khai trên toàn bộ hệ thống cảng biển của cả nước…

Cũng cần nhắc đến Bộ KHĐT đang ráo riết xây dựng những văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh, những “giấy phép con” trái phép…; Bộ GTGT đang quyết liệt triển khai cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công…

Tất nhiên, thực tế cũng cho thấy để thực hiện được yêu cầu của Chính phủ, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, thậm chí đâu đó vẫn còn những động thái dường như “chệch hướng” quyết tâm của Chính phủ. Chẳng hạn, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới đây đã nhận xét rằng vẫn thấy trên báo chí thông tin các bộ đang dự định ban hành các “giấy phép con” mới dù luật đã tuyệt đối cấm.

Hay theo ông như Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thì chính dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp của Bộ KHĐT – cơ quan chủ trì triển khai Nghị quyết 19, đồng thời là “tác giả” Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với những cải cách đột phá – cũng có những biểu hiện trái tinh thần đổi mới như yêu cầu doanh nghiệp phải tự khai mã ngành nghề kinh doanh…

Khi Nghị quyết 19 được ban hành, nhiều ý kiến đã lo ngại về tình trạng “trên nóng, dưới nguội”, quyết tâm cải cách ở trên rất cao nhưng càng xuống dưới càng giảm; nên điều quan trọng nhất là phải tạo ra được một chuyển động “đồng tốc” giữa mọi cấp, mọi ngành và từng cán bộ, công chức với Chính phủ, với Thủ tướng trong thực hiện cải cách.

Nay, rõ ràng là yêu cầu cấp bách về cải cách hành chính, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh đang được các bộ ngành khẩn trương hiện thực hóa trong những chính sách cụ thể. Trao đổi với phóng viên mới đây, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói rằng ông tin cải cách sẽ đi đến đích, bởi Chính phủ đã thiết kế một “đường ray” vững chắc cho con tàu cải cách.

Dù còn rất nhiều việc phải làm, nhưng đổi mới, cải cách rõ ràng đang là xu thế chủ đạo trong nhận thức, hành động của nhiều cơ quan chức năng, đúng như phát biểu của Thủ tướng khi nhấn nút khai trương cổng giao dịch BHXH điện tử: “Không phải duy ý chí, chúng ta có đủ năng lực, đủ ý chí, điều kiện để làm điều này, đây là năng lực cạnh tranh, là môi trường kinh doanh của đất nước”.