Bộ Tài chính điều chỉnh đề xuất ưu đãi lệ phí trước bạ với ô tô điện chạy pin

Theo Thùy Linh/haiquanonline.com.vn

Bộ Tài chính đề xuất miễn lệ phí trước bạ đối với ô tô điện chạy pin trong 3 năm đầu và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo thay vì giảm 50% trong vòng 5 năm đầu như dự thảo trước đó.

Bộ Tài chính đã hoàn thiện nội dung trong dự thảo Nghị định quy định về mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô điện chạy pin
Bộ Tài chính đã hoàn thiện nội dung trong dự thảo Nghị định quy định về mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô điện chạy pin

Điều chỉnh tăng ưu đãi cho ô tô điện chạy pin

Bộ Tài chính vừa có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương và người dân về dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP của Chính phủ về lệ phí trước bạ (LPTB).

Trước đó, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP của Chính phủ về LPTB, Bộ Tài chính đã đề xuất: Đối với việc thu LPTB của ô tô điện chạy pin, mức thu LPTB lần đầu bằng 50% mức thu LPTB lần đầu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Đối với xe mua đi bán lại nộp LPTB từ lần thứ 2 trở đi, mức thu bằng mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi (hiện tại là 2%).

Phản hồi về đề xuất này, một số bộ ngành như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... đã đề nghị Bộ Tài chính phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng sử dụng phương tiện xe chạy bằng điện nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đơn cử, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị không thu LPTB đối với xe ô tô điện trong vòng 5 năm vì xe ô tô chạy bằng điện về cơ bản ở Việt Nam mới đang ở giai đoạn bắt đầu, chưa phát triển mạnh. Do vậy, để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng sử dụng phương tiện xe chạy bằng điện giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trước mắt trong vòng 5 năm không thu LPTB.

Hay như Bộ Giao thông Vận tải đề nghị cân nhắc bổ sung lộ trình miễn, giảm LPTB đối với xe ô tô điện chạy pin. Chẳng hạn, miễn 3 năm đầu, giảm 50% cho 3 năm tiếp theo. Lộ trình này có thể thay đổi hoặc điều chỉnh phù hợp với điều hành ngân sách quốc gia, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời thực hiện chính sách hỗ trợ, phát triển kinh doanh.

Trên cơ sở ý kiến tham gia, để góp phần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất xe ô tô điện chạy pin, đảm bảo cung ứng xe ô tô chạy pin cho thị trường Việt Nam trong thời gian tới; góp phần khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện chạy pin, từ đó góp phần giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường của phương tiện giao thông, đồng thời tránh gây áp lực đến ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách địa phương, Bộ Tài chính đã hoàn thiện tại dự thảo Nghị định phương án quy định mức thu LPTB lần đầu đối với ô tô điện chạy pin là 0% trong vòng 3 năm đầu kể từ ngày Nghị định có hiệu lực và bằng 50% mức thu LPTB đối với ô tô chạy xăng, dầu cùng loại có cùng số chỗ ngồi trong vòng 2 năm tiếp theo.

Bác bỏ đề xuất ưu đãi với xe hybrid và xe máy điện

Một nội dung liên quan đến ô tô điện cũng đã được các bộ, ngành góp ý đó là liên quan đến bổ sung ưu đãi đối với xe hybrid. Theo góp ý của Thanh tra Chính phủ, đơn vị này đề nghị nghiên cứu thêm đối tượng là xe hybrid, xe hybrid sạc ngoài thuần điện, xe điện sử dụng nhiên liệu hydro để có chính sách khuyến khích theo từng mức độ và đảm bảo bình đẳng trong chính sách.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng góp ý về nội dung này. Theo đó, Bộ này cho rằng, tại dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính có đề cập tới 4 dòng xe ô tô điện và loại trừ “2 dòng xe: hybrid (HEV: Hybrid Electric Vehicle) và hybrid sạc ngoài (PHEV: Plug-in Hybrid Electric) vẫn di chuyển chủ yếu bằng động cơ đốt trong được hưởng ưu đãi về LPTB. Bộ này đề nghị Bộ Tài chính có số liệu bổ sung để chứng minh đối với nhận định này. Trường hợp các dòng xe nêu trên cũng góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải, đề nghị nghiên cứu giảm LPTB với mức phù hợp cho các đối tượng này.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định sửa đổi mới chỉ có phương án giảm LPTB cho dòng xe điện chạy pin (BEV), đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng dòng xe điện chạy nhiên liệu hydro (FCEV) để định hướng thu hút đầu tư sản xuất dòng xe này trong tương lai.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, trên thế giới hiện nay, xe ô tô điện gồm 4 dòng chính là xe hybrid (HEV), xe hybrid sạc ngoài (PHEV), xe điện chạy pin (BEV) và xe điện chạy nhiên liệu Hydro (FCEV). Trong 4 loại xe ô tô điện trên thì 2 loại xe hybrid và xe hybrid sạc ngoài vẫn di chuyển chủ yếu bằng động cơ đốt trong, song song tận dụng các lợi ích từ cụm truyền động điện gồm một mô tơ điện với pin.

Do đó, việc sử dụng 2 loại xe này vẫn gây ra ô nhiễm môi trường như các loại xe chạy bằng xăng khác. Xe điện nhiên liệu hydro dù có ưu thế lớn so với xe ô tô điện chạy pin khi thời gian tiếp nhiên liệu ngắn, tuy nhiên khi nạp cần có các trạm tiếp nhiên liệu, ngoài ra cũng cần các nhân lực kỹ thuật cao để đảm bảo an toàn cho việc tiếp nhiên liệu.

"Ở Việt Nam hiện nay, nhìn chung, các dòng xe ô tô điện chưa phổ biến, trong nước chưa có sản xuất xe ô tô điện và mới bắt đầu có nhập khẩu xe ô tô điện trong vài năm gần đây. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, tính đến hết năm 2020, số lượng xe ô tô điện chạy pin bán ra trên thị trường khoảng trên 130 chiếc, còn lại là các loại xe hybrid, xe plug-in hybrid và toàn bộ là nhập khẩu. Như vậy, Việt Nam có thể hứa hẹn là một thị trường tiềm năng cho ngành công nghiệp xe ô tô điện chạy pin nếu có chính sách hỗ trợ ưu đãi phù hợp và có doanh nghiệp đầu tư bài bản, đồng bộ", Bộ Tài chính báo cáo.

Để góp phần bảo vệ môi trường và đón đầu xu thế chung của ngành công nghiệp ô tô, nhiều ý kiến nhận định cho rằng thời điểm hiện nay đối với ngành ô tô điện chạy pin thì xuất phát điểm giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN là gần như tương tự nhau. Vì vậy, cơ hội để thu hút các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô điện chạy pin của Việt Nam là rất tiềm năng nếu Nhà nước sớm ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hơn nữa cho ngành này phát triển, trong đó có chính sách LPTB. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị chỉ thực hiện ưu đãi LPTB đối với ô tô điện chạy pin.

Đáng chú ý, phản hồi ý kiến của Bộ Thông tin Truyền thông về đề nghị xem xét bổ sung “xe máy điện” vào đối tượng hưởng mức ưu đãi LPTB, Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định hiện hành, mức thu LPTB lần đầu đối với xe máy (trong đó có xe máy điện) là 2%; riêng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã nơi UBND đóng trụ sở là 5%. Bộ Tài chính khẳng định đây là mức thu không cao.

Ngoài ra, việc thực hiện ưu đãi đối với xe ô tô điện chạy pin là nhằm góp phần hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, hiện nay, ở Việt Nam số lượng xe máy đang lưu hành là khoảng gần 40 triệu xe máy, trong đó xe máy điện nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) chiếm tỷ trọng lớn, nên nếu thực hiện giảm mức thu LPTB đối với xe máy điện thì lượng xe máy điện nhập khẩu gia tăng, từ đó sẽ gây áp lực lên hạ tầng giao thông và việc thải ra pin xe máy điện sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái.