Toàn ngành Tài chính triển khai thực hiện:

11 giải pháp thanh, kiểm tra tài chính 6 tháng cuối năm 2015

PV.

(Taichinh) - Sáu (06) tháng cuối năm 2015, Thanh tra Bộ và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tập trung thực hiện 11 giải pháp để đẩy mạnh hiệu quả công tác thanh, kiểm tra trong toàn ngành.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

11 giải pháp cụ thể:

1. Xây dựng chương trình công tác chi tiết từng tháng để triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được phê duyệt; bố trí lực lượng dự phòng cho các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ. Thường xuyên nắm bắt tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất định hướng công tác, những nhiệm vụ cụ thể cho từng thời kỳ, từng thời gian cụ thể đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra đáp ứng sát với nhiệm vụ của toàn ngành tài chính và của mỗi cơ quan đơn vị.

2. Chủ động rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2015 đã được Bộ phê duyệt để điều chỉnh và triển khai hoàn thành tốt kế hoạch được giao. Kịp thời trình Bộ định hướng kế hoạch thanh tra, kiểm tra ngành tài chính năm 2016 theo theo đúng quy định. Nắm tình hình địa bàn và xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Bộ năm 2016; Thẩm định trình Bộ kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2016 của các đơn vị thuộc Bộ kịp thời, theo đúng quy định.

3. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp thanh tra nhăm không ngừng nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo đủ chứng lý kết luận, tính khả thi trong việc thực hiện các kiến nghị thanh tra. Các đoàn thanh tra diện rộng chủ động xây dựng đề cương, kế hoạch, mẫu biểu, tổ chức quán triệt, tập huấn cho cán bộ trước khi triển khai.

4. Tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo giữa Thanh tra Bộ với Thanh tra các Tổng cục đối với các cuộc thanh tra theo chuyên đề, thanh tra diện rộng để có được những đánh giá sâu, toàn diện về cơ chế chính sách được ban hành và hiệu quả phát huy trong thực tiễn. Phát hiện kiến nghị sửa đổi bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách chưa phù hợp, xử lý nghiêm minh những trường hợp tham ô, tham nhũng, lãng phí. Tổ chức thực hiện đúng các quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra, quy chế làm việc của cơ quan.

5. Tăng cường công tác giám sát từ xa, nắm bắt đối tượng thông qua hệ thống phân tích rủi ro, mà đặc biệt là sự phối hợp, nắm bắt thông tin thông qua các cơ quan quản lý nhà nước các lĩnh vực của Bộ; Thực hiện nhiều hơn các cuộc thanh tra đột xuất nhằm phát hiện, phòng ngừa xà xử lý kịp thời các sai phạm khi vừa mới bắt đầu phát sinh.

6. Tổ chức thực hiện tốt các quy định pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm tra; hạn chế tình trạng kéo dài thời gian lưu hành kết luận thanh tra do những nguyên nhân chủ quan; Tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để những kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục.

7. Chú trọng, tổ chức thực hiện để công khai, minh bạch về kết quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; công khai từ chương trình, kế hoạch và kết quả.

8. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt, cập nhật thông tin về tình hình, kết quả thực hiện công tác phòng chống tham nhũng của các cơ quan, tổ chức đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tài chính và tình hình, kết quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Thanh tra Bộ và lãnh đạo Bộ; Hoàn thành tốt việc chuẩn bị Báo cáo, tài liệu phục vụ Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính làm việc với Tổ công tác của Ban cán sự Trung ương về phòng chống tham nhũng, Báo cáo định kỳ, đột xuất về phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định.

9. Tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; giải quyết kịp thời những vụ việc đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, đảm bảo đúng chế độ quy định; Hoàn thành đầy đủ, chất lượng và đúng thời hạn báo cáo định kỳ, đột xuất tháng, quý và các báo cáo chuyên đề theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính về công tác giải quyết khiếu tố của Bộ Tài chính.

10. Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng kiểm tra công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các đơn vị địa phương; Tham mưu giúp Bộ và tham gia ý kiến với các đơn vị trực thuộc Bộ về việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn.

11. Xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh, có tâm, có tầm, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới, nhất là bản lĩnh chính trị phải vững vàng, trình độ nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn phải tốt; Tăng cường đào tạo bồi dưỡng và không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra tài chính; kịp thời xây dựng và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ trao đổi nghiệp vụ; tăng cường nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế.

Với 11 giải pháp trên, ngành Tài chính tin tưởng sẽ từng bước khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra tài chính 6 tháng cuối năm cũng như phát huy những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2015.

Nguồn: Tổng hợp theo báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ Tài chính.