Ban hành 58 văn bản quy phạm pháp luật trong tháng 11/2013

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Theo Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, trong tháng 11/2013, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 58 văn bản quy phạm pháp luật gồm 47 Nghị định của Chính phủ và 11 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Từ ngày 1/1/2014 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 1,9-2,7 triệu đồng/tháng. Nguồn: internet
Từ ngày 1/1/2014 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 1,9-2,7 triệu đồng/tháng. Nguồn: internet

Trong đó, đáng chú ý là Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã quy định rõ cơ chế hỗ trợ, ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

Cụ thể, đối với Dự án phát triển nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ, ưu đãi, được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả quỹ đất để xây dựng các công trình kinh doanh thương mại) đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng; được miễn, giảm và hưởng các ưu đãi về thuế suất thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp…

Đối với trường hợp dự án phát triển nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách chỉ để cho thuê thì ngoài các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi nêu trên còn được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ vốn đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án từ nguồn ngân sách địa phương. Đối với quỹ nhà ở xã hội dành để cho thuê thì sau thời gian cho thuê tối thiểu là 5 năm kể từ thời điểm bắt đầu cho thuê, chủ đầu tư dự án được phép bán quỹ nhà ở này cho người đang thuê (nếu có nhu cầu) theo giá bán nhà ở xã hội tại thời điểm bán nhà ở đó. Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư nhà ở xã hội cũng được hưởng nhiều hỗ trợ, ưu đãi.

* Trong tháng 11, Chính phủ ban hành Nghị định số 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.

Theo Nghị định, từ ngày 1/1/2014 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 1,9-2,7 triệu đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2014 tới đây như sau: Vùng I: 2,7 đồng/tháng; vùng II: 2,4 triệu đồng/tháng; vùng III: 2,1 triệu đồng/tháng; vùng IV: 1,9 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250.000-350.000 đồng/tháng.

Tháng 11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 164/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế. Trong đó, khuyến khích phát triển nhà ở cho người lao động khu công nghiệp, khu kinh tế.

Cụ thể, Nhà nước khuyến khích hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở để cho các đối tượng là người lao động tại các khu công nghiệp thuê. Nhà ở do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để cho thuê theo quy định phải đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích, chất lượng công trình, mỹ quan, an toàn và môi trường.

UBND các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người lao động sử dụng các dịch vụ y tế, văn hoá, xã hội trên địa bàn. Quy hoạch nhà ở cho người lao động khu công nghiệp gắn liền với quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn...

Nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong tháng 11, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Theo đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Có 7 nhóm danh mục máy, thiết bị được hỗ trợ gồm: 1- Các loại máy làm đất, san phẳng đồng ruộng, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, ngô, cà phê, chè, mía; máy sấy nông sản, thủy sản; máy, thiết bị sản xuất muối sạch; máy, thiết bị sử dụng trong chăn nuôi; 2- Hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp; 3- Máy, thiết bị sản xuất giống, nuôi trồng, thu hoạch thủy sản; 4- Các loại máy, thiết bị dò cá, thu, thả lưới câu, thông tin liên lạc, hầm (buồng) cấp đông, thùng (hầm) bảo quản sản phẩm có gắn thiết bị lạnh, sản xuất nước đá, lọc nước biển làm nước ngọt sử dụng trên tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt xa bờ; 5- Máy, thiết bị chế biến sản phẩm từ phế và phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản; 6- Kho, thiết bị sử dụng chứa, bảo quản thóc, ngô quy mô hộ gia đình; 7- Các loại máy kéo, động cơ diesel sử dụng trong nông nghiệp, khai thác đánh bắt thủy sản.

Mức vay tối đa để mua các loại máy, thiết bị nêu trên bằng 100% giá trị hàng hóa; hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba.

Tạo điều kiện học tập cho sinh viên là người dân tộc thiểu số, tháng 11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 10 tháng/năm học/sinh viên.

Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ được cân đối trong nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo hằng năm theo phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước.

Chính sách hỗ trợ chi phí học tập áp dụng đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước, thi đỗ vào học đại học, cao đẳng hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm: Đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng.

Liên quan đến thị trường điện lực, trong tháng 11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Quyết định gồm: Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam và Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg, thị trường điện lực được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ: Cấp độ 1 - Thị trường phát điện cạnh tranh. Cụ thể, tiếp tục thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh đến hết năm 2014. Cấp độ 2 - Thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Cụ thể, từ năm 2015-2016, thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm; từ năm 2017-2021, thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Cấp độ 3 - Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Cụ thể, từ năm 2021-2023, thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm; từ sau năm 2023, thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Còn theo Quyết định 69/2013/QĐ-TTg, giá bán điện bình quân được điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định và chỉ được điều chỉnh tăng ở mức từ 7% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 6 tháng.

Đặc biệt, trong tháng 11, Chính phủ đã ban hành một loạt các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp; trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…