Cải cách hệ thống thanh toán qua Kho bạc

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, hiện cơ quan này đang hoàn thiện việc xây dựng hệ thống thanh toán KBNN hiện đại, đảm bảo thanh toán mọi khoản thu, chi của ngân sách nhà nước và các đơn vị giao dịch an toàn, nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Giảm dần và tiến tới không giao dịch bằng tiền mặt tại KBNN.

 Cải cách hệ thống thanh toán qua Kho bạc
KBNN đang hoàn thiện việc xây dựng hệ thống thanh toán KBNN hiện đại. Nguồn: internet
Từ năm 2011, KBNN đã chủ trì xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 164/2011/TT-BTC (ngày 17-11-2011) thay thế Thông tư số 33/2006/TT-BTC Quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN. Theo đó, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị liên quan trong việc quản lý thu, chi tiền mặt; nguyên tắc quản lý, thanh toán bằng tiền mặt; nội dung được phép chi tiền mặt; quy trình thu, chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua ngân hàng; định mức tồn quỹ tiền mặt tại KBNN…

Với những định hướng sửa đổi tại Thông tư số 164 đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN theo hướng: Giảm bớt và đơn giản hóa các thủ tục hành chính; thực hiện nguyên tắc thanh toán trực tiếp bằng chuyển khoản từ KBNN cho người cung ứng hàng hóa, dịch vụ; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào lĩnh vực thanh toán, đặc biệt là việc kết nối, trao đổi thông tin thu ngân sách nhà nước với hệ thống ngân hàng thương mại; phát triển và đa dạng hóa các nghiệp vụ thu, chi ngân sách nhà nước không dùng tiền mặt tại KBNN.

Đến nay, công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước đã được triển khai tại 61 tỉnh, thành phố với khoảng hơn 640 đơn vị KBNN quận, huyện; đồng thời, triển khai với các ngân hàng thương mại nhà nước (ngân hàng mà KBNN có mở tài khoản) và ngân hàng thương mại cổ phần (ngân hàng mà KBNN không mở tài khoản).

Đồng thời, công tác cải cách thủ tục hành chính đã cải tiến một bước. Cụ thể quy trình kiểm soát chi “1 cửa”, các KBNN tỉnh, thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện theo nguyên tắc: Mỗi giao dịch viên là “1 cửa”, trừ trường hợp có thanh toán bằng tiền mặt; người tiếp nhận hồ sơ cũng chính là người xử lý công việc cho đơn vị giao dịch.

Qua đó, đã từng bước thống nhất đầu mối và quy trình kiểm soát chi ngân sách nhà nước, tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, đảm bảo đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát. Bên cạnh đó, KBNN đã bước đầu thống nhất đầu mối thực hiện kiểm soát chi đầu tư và chi các Chương trình mục tiêu quốc gia về một đầu mối (phòng/bộ phận kiểm soát chi ngân sách nhà nước).

Hiện nay, KBNN đang thực hiện triển khai thí điểm thanh toán điện tử liên ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước và chuẩn bị triển khai mở rộng. Bộ Tài chính cũng đã phê duyệt chủ trương triển khai thanh toán điện tử song phương tập trung với hệ thống ngân hàng thương mại, dự kiến triển khai thí điểm vào cuối năm 2013.

Sau khi hoàn thành việc triển khai thanh toán điện tử liên ngân hàng sẽ từng bước tập trung ngân quỹ tại các KBNN tỉnh, thành phố về một tài khoản chung của KBNN tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Qua đó, góp phần tăng khả năng vốn tạm thời nhàn rỗi KBNN cũng như khả năng ứng vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, thanh toán điện tử liên ngân hàng cũng thúc đẩy xu hướng kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử giữa KBNN với hệ thống ngân hàng; tiết kiệm công sức và thời gian nhập liệu.

Dự kiến đến năm 2014, KBNN sẽ hoàn tất việc triển khai thanh toán song phương tập trung và thanh toán liên ngân hàng cho toàn hệ thống. Khi đó, KBNN cơ bản sẽ hình thành hệ thống thanh toán tập trung (TSA), tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cải cách quản lý ngân quỹ.