Dự kiến mức thu phí thẩm định điều kiện hành nghề thừa phát lại

PV.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề thừa phát lại; phí thẩm định điều kiện thành lập, hoạt động Văn phòng Thừa phát lại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thừa phát lại là là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định. Thừa phát lại tương tự như chức mõ tòa (Người giữ việc báo tin và thi hành các quyết định của tòa án trong xã hội cũ, có khi trông nom cả việc bán các động sản của Nhà nước) và chấp hành viên.

Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại. Tên gọi văn phòng Thừa phát lại bao gồm cụm từ “Văn phòng Thừa phát lại” và phần tên riêng liền sau. Người đứng đầu Văn phòng Thừa phát lại là Thừa phát lại và là người đại diện theo pháp luật của văn phòng Thừa phát lại.

Theo Dự thảo thông tư hướng dẫn nêu trên, người nộp phí bao gồm: Cá nhân yêu cầu bổ nhiệm thừa phát lại phải nộp phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thừa phát lại; thừa phát lại xin thành lập Văn phòng Thừa phát lại và đăng ký hoạt động phải nộp phí thẩm định điều kiện thành lập và hoạt động theo quy định.

Về tổ chức thu phí, Bộ Tư pháp thực hiện thu phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề thừa phát lại; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thu thẩm định điều kiện thành lập, hoạt động Văn phòng Thừa phát lại.

Dự thảo quy định 2 mức thu phí: (i) Phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề Thừa phát lại là 400.000 đồng/hồ sơ; (ii) Phí thẩm định điều kiện thành lập, hoạt động Văn phòng Thừa phát lại là 500.000 đồng/hồ sơ.

Về tổ chức thu, nộp, quản lý phí, Dự thảo thông tư này quy định tổ chức thu phí trích 50% tiền phí thu được trước khi nộp ngân sách nhà nước để trang trải cho các nội dung chi theo quy định của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí. Nộp 50% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo Chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Dự thảo thông tư đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi từ các tổ chức, cá nhân./.