Ngành Hải quan đẩy mạnh quản lý nợ thuế, nợ tiền chậm nộp, nợ phạt đối với hàng hóa xuất nhập khẩu

PV.

(Tài chính) Tổng cục Hải quan vừa có Quyết định 1074/QĐ-TCHQ ban hành quy trình “Quản lý nợ thuế, nợ tiền chậm nộp, nợ phạt đối với hàng hóa xuất nhập khẩu”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo Quyết định trên, nợ được chia ra thành 3 nhóm là: Loại nợ khó thu, Nhóm tiền nợ chờ xóa, xét miễn, giảm, gia hạn, nộp dần; Nhóm tiền thuế nợ có khả năng thu.

Đối với công tác phân loại nợ và lập hồ sơ theo dõi người nộp thuế, các cán bộ hải quan phải thực hiện theo trình tự được quy định như sau:

Thứ nhất, tại Chi cục Hải quan. Công chức Hải quan được phân công quản lý nợ thuế (sau đây gọi là công chức) thực hiện khai thác chương trình KT559 danh sách nợ thuế theo tờ khai của từng người nộp thuế có nợ, phân loại bước đầu từng người nộp thuế có nợ theo tiêu chí phân loại quy định tại điểm A, mục I Phần II Quy trình này.

Công chức Hải quan khai thác thông tin về người nộp thuế trên cơ sở dữ liệu của ngành Hải quan và hồ sơ hải quan. Trường hợp nếu cần thu thập thêm thông tin từ các cơ quan quản lý và/hoặc từ các nguồn khác thì lập phiếu đề xuất, báo cáo lãnh đạo Chi cục và thực hiện tổ chức thu thập thông tin.

Những thông tin cơ bản cần phải được xác minh bao gồm: Tên người nộp thuế có nợ; địa chỉ; điện thoại, fax; tên giám đốc và/hoặc Chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; hội đồng quản trị công ty (nếu có); tài khoản nộp thuế nội địa tại Cục thuế và Chi cục thuế địa phương; các ngân hàng giao dịch; các số tài khoản tiền gửi; số dư tiền gửi; tình trạng của người nộp thuế.

Tổng cục Hải quan lưu ý, thông tin về người nộp thuế có nợ phải được cập nhật thường xuyên, kịp thời nhằm đảm bảo việc phân loại nợ thuế, xử lý nợ thuế và áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, đồng thời thông tin phải được chuyển cho bộ phận quản lý rủi ro cấp tương đương để tiếp tục cập nhật, bổ sung vào hồ sơ doanh nghiệp trên hệ thống quản lý rủi ro.

Bên cạnh đó, các thông tin phải lưu trữ, theo dõi riêng những thông tin thu thập được theo từng người nộp thuế có nợ. Thông tin của người nộp thuế có nợ được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 Quy trình này. Việc lưu trữ và bảo mật thông tin của người nộp thuế phải thực hiện theo quy định tại Điều 73 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006.

Sau khi đã thực hiện phân loại các khoản nợ thuế, công chức Hải quan thực hiện lập hồ sơ theo dõi người nộp thuế có nợ để tiến hành các bước đốc thu. Hồ sơ theo dõi nợ được lưu tại Chi cục theo quy định về lưu trữ hồ sơ.

Thứ hai, tại Cục Hải quan các tỉnh, thành phố. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Cục có trách nhiệm đóng dấu công văn đến; ghi rõ ngày tiếp nhận; vào sổ công văn đến và chuyển Phòng Thuế xuất nhập khẩu hoặc Phòng nghiệp vụ. Lãnh đạo Phòng phân công công chức thụ lý ngay trong ngày làm việc.

Đối với trường hợp cần thu thập thêm hoặc xác minh lại thông tin của người nộp thuế, công chức lập phiếu đề xuất trình Lãnh đạo Phòng, lãnh đạo Cục phê duyệt và thực hiện như hướng dẫn tại Bước 2 điểm B mục I Phần II Quy trình này. Sau khi có kết quả xác minh lại hoặc bổ sung thêm thông tin về người nộp thuế, công chức lập phiếu đề xuất trình Lãnh đạo hướng xử lý.

Tuy nhiên, nếu nghi vấn về kết quả phân loại nợ thuế chưa chính xác, công chức trình lãnh đạo Phòng, lãnh đạo Cục Hải quan có văn bản hướng dẫn phân loại lại các khoản nợ hoặc làm việc với Chi cục để kiểm tra lại kết quả phân loại nợ và phân loại lại (trong trường hợp cần thiết).

Trường hợp đồng ý với kết quả phân loại nợ của Chi cục, công chức tổng hợp, đánh giá số nợ của Cục trên cơ sở báo cáo của Chi cục và báo cáo lãnh đạo Phòng, trình lãnh đạo Cục ký văn bản báo cáo Tổng cục vào ngày 10 hàng tháng theo quy định.

Lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và đề xuất của công chức thụ lý, duyệt ký trình Lãnh đạo Cục (nếu đồng ý), hoặc ghi rõ lý do, ý kiến vào Phiếu đề xuất (nếu không đồng ý) và trả lại Hồ sơ để công chức thụ lý thực hiện lại Bước 2 mục này.

Lãnh đạo Cục Hải quan kiểm tra Hồ sơ và đề xuất của Phòng, duyệt ký văn bản (nếu đồng ý) để chuyển công chức thực hiện bước 4 dưới đây hoặc ghi lý do, ý kiến chỉ đạo vào Phiếu đề xuất (nếu không đồng ý) và trả lại Hồ sơ để Phòng / công chức thụ lý thực hiện lại việc kiểm tra, xử lý hồ sơ.