Nhiệm vụ chi hoạt động đối ngoại của ngân sách trung ương gồm những khoản gì?

PV.

Ngày 19/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2017/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng NSNN đối với một số hoạt động đối ngoại. Trong đó, quy định rõ về nhiệm vụ chi hoạt động đối ngoại của ngân sách trung ương.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, Nghị định số 117/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhiệm vụ chi hoạt động đối ngoại của ngân sách trung ương gồm những khoản sau: Chi thường xuyên; Chi đầu tư phát triển và Chi viện trợ theo Hiệp định, cam kết với các Chính phủ.

Thứ nhất, chi thường xuyên

Theo đó, chi thường xuyên cho hoạt động đối ngoại từ ngân sách trung ương gồm các khoản sau:

- Chi các hoạt động ngoại giao cấp nhà nước song phương và đa phương.

- Chi công tác đàm phán, tham gia, ký kết, thực hiện các Điều ước, Hiệp định viện trợ, vay nợ, thỏa thuận quốc tế.

- Chi bảo đảm hoạt động của các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

- Chi các hoạt động liên quan đến công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia.

- Chi bảo hộ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.

- Chi hỗ trợ công tác cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, hòa nhập vào đời sống xã hội nước sở tại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam theo quy định của pháp luật; chi công tác quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.

- Chi hoạt động ngoại giao, hội nhập quốc tế của Việt Nam; thúc đẩy hợp tác, giao lưu, hiểu biết, tăng cường hữu nghị trong các lĩnh vực.

- Chi hoạt động đối ngoại nhân dân của các cơ quan trung ương của các đoàn thể được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động hoặc hỗ trợ theo nhiệm vụ Nhà nước giao.

- Chi các hoạt động thông tin tuyên truyền đối ngoại và quản lý hoạt động thông tin, báo chí của phóng viên nước ngoài.

- Chi tổ chức các sự kiện, hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng hóa, dịch vụ và lao động của Việt Nam, xúc tiến đầu tư, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin đối ngoại tại nước ngoài.

- Chi hoạt động thu thập và mua thông tin kinh tế có giá trị; hoạt động thẩm tra, xác minh đối tác kinh tế; các hoạt động vận động đối tác, khách hàng kinh doanh, các chủ đầu tư, tập đoàn xuyên quốc gia, công ty lớn tại các địa bàn, địa phương ở nước ngoài nhằm xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, khoa học công nghệ, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động.

- Chi khen thưởng đối với tổ chức, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đối ngoại nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương; chi khen thưởng đối với tổ chức, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đối ngoại nhân dân của các cơ quan trung ương của các đoàn thể được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động hoặc hỗ trợ theo nhiệm vụ Nhà nước giao.

- Chi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đối ngoại; chi nghiên cứu khoa học phục vụ trực tiếp công tác tham mưu, dự báo chiến lược, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

- Chi thuê, mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị, phương tiện đi lại ở trong nước và nước ngoài nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật và yêu cầu đối ngoại.

- Chi thuê, sửa chữa, bảo trì trụ sở, nhà ở, hiện đại hóa cơ sở vật chất ở trong nước và nước ngoài nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật và yêu cầu đối ngoại.

- Chi cải tạo, nâng cấp các cơ sở vật chất hiện có ở trong nước và các trụ sở làm việc, trụ sở đối ngoại, nhà ở cán bộ nhân viên của các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thuộc sở hữu của Việt Nam.

- Chi đảm bảo hoạt động bộ máy phục vụ công tác đối ngoại của các bộ, cơ quan trung ương.

- Chi các hoạt động nghiệp vụ đối ngoại khác được Đảng, Nhà nước giao theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, chi đầu tư phát triển

Chi đầu tư phát triển cho hoạt động đối ngoại từ ngân sách trung ương gồm các khoản sau: 

- Chi xây dựng các công trình liên quan đến mốc quốc giới.

- Mua, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở vật chất ở trong nước phục vụ công tác đối ngoại.

- Mua, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở vật chất của các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

- Chi thuê nhà, đất dài hạn (trên 30 năm) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở, nhà ở của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ ba, chi viện trợ theo Hiệp định, cam kết với các Chính phủ.