Quản lý rủi ro về thuế được thực hiện theo nguyên tắc và trình tự nào?

PV.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 02/7/2021, Thông tư số 31/2021/TT-BTC, ngày 17/5/2021 của Bộ Tài chính thay thế Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế đã nêu rõ các nguyên tắc, trình tự áp dụng quản lý rủi ro về thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nguyên tắc quản lý rủi ro

Bộ Tài chính nêu rõ, nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế đồng thời phòng chống, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế.

Thông tin quản lý rủi ro được thu thập từ các nguồn thông tin bên trong và bên ngoài cơ quan thuế (bao gồm cả thông tin từ nước ngoài) theo quy định của pháp luật; được quản lý tập trung tại Tổng cục Thuế thông qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin và được xử lý, chia sẻ, cung cấp cho cơ quan thuế các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước khác để phục vụ cho mục đích quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

Việc đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được thực hiện tự động, định kỳ, theo một hoặc kết hợp các phương pháp quy định tại Thông tư này trên cơ sở các quy định của pháp luật, các quy trình, biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế, dựa trên phân đoạn người nộp thuế, các tiêu chí quy định tại Thông tư này và cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.

Căn cứ vào kết quả đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế, phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế, thông tin có trên các ứng dụng hỗ trợ quản lý thuế của cơ quan thuế, thông tin dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro khác được cung cấp tại thời điểm ra quyết định, cơ quan thuế thực hiện: Quyết định kiểm tra, thanh tra, giám sát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp; Xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ tổng thể phù hợp với nguồn lực của cơ quan thuế dựa trên kết quả phân tích bản chất hành vi, nguyên nhân và quy mô của mỗi mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro.

Trường hợp đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, quy định tại Thông tư này và các quy định, hướng dẫn về quản lý rủi ro, công chức thuế được miễn trừ trách nhiệm cá nhân theo quy định của pháp luật. Trường hợp ứng dụng quản lý rủi ro gặp sự cố hoặc chưa đáp ứng yêu cầu áp dụng quản lý rủi ro theo nội dung quy định tại Thông tư này, việc áp dụng quản lý rủi ro được thực hiện thủ công bằng phê duyệt văn bản đề xuất hoặc văn bản ký phát hành của người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nếu có thay đổi thông tin dẫn đến thay đổi kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế, ứng dụng quản lý rủi ro chưa tự động điều chỉnh mức độ tuân thủ và mức độ rủi ro, việc cập nhật thay đổi kết quả đánh giá được thực hiện thủ công bởi công chức, sau khi có phê duyệt của người có thẩm quyền.

Kết quả áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tương ứng với các mức xếp hạng rủi ro phải được cập nhật đầy đủ, chính xác vào các ứng dụng hỗ trợ quản lý thuế của cơ quan thuế hoặc ứng dụng quản lý rủi ro đối với từng trường hợp cụ thể, phục vụ hoàn thiện và thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại rủi ro người nộp thuế trong kỳ tiếp theo.

Trình tự áp dụng quản lý rủi ro về thuế

Thông tư số 31/2021/TT-BTC, nêu rõ, áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế được cơ quan thuế thực hiện theo trình tự sau:

Thứ  nhất, đánh giá tình hình, xác định mục tiêu và yêu cầu quản lý rủi ro: Cơ quan thuế thực hiện rà soát các rủi ro, sai phạm thường gặp trong việc thực hiện trách nhiệm của người nộp thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế hoặc quy định hiện hành để xác định các rủi ro chính cần được xử lý, người nộp thuế có rủi ro lớn và hướng xử lý.

Thứ hai, tổ chức thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro: Thông tin quản lý rủi ro được thu thập, xử lý theo quy định tại Thông tư này. Trường hợp thông tin kê khai sai, không đầy đủ phát hiện trong quá trình phân tích rủi ro, người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp, giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu theo yêu cầu và thời hạn thông báo của cơ quan thuế để đảm bảo đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế được chính xác.

Thứ ba, thiết lập, cập nhật các chỉ số để phân tích, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế: Căn cứ kết quả đánh giá tình hình, xác định mục tiêu và yêu cầu quản lý rủi ro quy định nêu trên, thông tin quản lý rủi ro và ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập, cập nhật các chỉ số tiêu chí, trọng số dùng đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro người nộp thuế.

Thứ tư, phân tích, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế; xác định mức độ rủi ro người nộp thuế; xác định mức độ rủi ro trong các nghiệp vụ quản lý thuế; quản lý hồ sơ rủi ro đối với các trường hợp giám sát trọng điểm.

Người nộp thuế được phân đoạn theo điều kiện xác định phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ khi thực hiện việc phân tích, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế. Việc thực hiện phân tích, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được xác định theo một hoặc kết hợp các phương pháp sau đây: Phương pháp chấm điểm và phân loại theo điểm, phương pháp học máy, phương pháp xếp hạng theo danh mục.

Căn cứ kết quả xác định mức độ rủi ro; đánh giá tuân thủ pháp luật của người nộp thuế để áp dụng biện pháp quản lý thuế và xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ tổng thể đối với người nộp thuế. Đồng thời, theo dõi, cập nhật, đánh giá thông tin phản hồi về kết quả thực hiện các biện pháp quản lý thuế; Thực hiện thu thập, xử lý, sử dụng, lưu trữ, thông tin; chỉ đạo, hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung việc áp dụng quản lý rủi ro phù hợp để đảm bảo hiệu quả quản lý thuế.