Quy định mới về thẩm định dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách

PV.

Có hiệu lực từ ngày 01/6/2017, Nghị định số 42/2017/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 5/4, sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Trong đó, Nghị định 42 đã quy định cụ thể về thẩm định dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, Nghị định 42/2017/NĐ-CP quy định chặt việc cấp Chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng. Các cá nhân được xét cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành kiến trúc, quy hoạch hoặc các chuyên ngành phù hợp yêu cầu của đồ án quy hoạch và đáp ứng các điều kiện tương ứng với các hạng I, II và III được quy định rõ trong Nghị định 42/2017/NĐ-CP. 

Nghị định đã thu hẹp đối tượng được được cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình từ 8 lĩnh vực còn 6 lĩnh vực đó là: Thiết kế kiến trúc công trình; Thiết kế kết cấu công trình; Thiết kế điện - cơ điện công trình; Thiết kế cấp - thoát nước; Thiết kế thông gió - cấp thoát nhiệt; Thiết kế an toàn phòng chống cháy nổ công trình.

Đồng thời, Nghị định đã quy định rõ về cơ quan thẩm định đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách, cụ thể như sau:

Một là, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở về các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 58 của Luật xây dựng năm 2014 (trừ phần thiết kế công nghệ) đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ giao, dự án nhóm A;

Dự án nhóm B, dự án nhóm C (trừ các dự án có yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật) do các cơ quan ở trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (sau đây gọi chung là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước) hoặc tổng công ty trực thuộc bộ quyết định đầu tư; dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính từ 02 tỉnh trở lên, trừ các dự án quy định tại điểm c, đ khoản này;

Hai là, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở về các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 58 của Luật Xây dựng năm 2014 (trừ phần thiết kế công nghệ) đối với các dự án nhóm B, dự án nhóm C được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh, trừ các dự án quy định tại các điểm a, d và đ khoản này;

Ba là, Sở quản lý xây dựng chuyên ngành trực thuộc TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở của dự án do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định đầu tư;

Bốn là, cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế công nghệ (nếu có) và các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại Điều 58 của Luật xây dựng năm 2014, tổng hợp kết quả thẩm định, trình phê duyệt dự án; chủ trì thẩm định dự án có nội dung chủ yếu về mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ nhưng có cấu phần xây dựng gồm các hạng mục công trình, công việc không quyết định đến mục tiêu đầu tư, an toàn trong vận hành, sử dụng và có giá trị chi phí phần xây dựng dưới 05 tỷ đồng;

Năm là, trường hợp tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có đủ điều kiện năng lực và có đề nghị được tự tổ chức thẩm định, Bộ trưởng Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành quyết định việc phân cấp, ủy quyền cho tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chủ trì tổ chức thẩm định dự án đầu tư xây dựng đối với dự án nhóm B, dự án nhóm C có công trình xây dựng từ cấp II trở xuống do tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư thuộc chuyên ngành do Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành quản lý.

Việc phân cấp, ủy quyền phải đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện theo quy định của pháp luật. Người được phân cấp, ủy quyền thẩm định chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định do mình thực hiện. Kết quả thẩm định phải được gửi đến cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành để theo dõi, quản lý theo quy định.