Quy định về công khai báo cáo tài chính nhà nước

PV.

Ngày 14/03/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 25/2017/NĐ-CP về Báo cáo tài chính Nhà nước. Theo đó, việc công khai Báo cáo tài chính Nhà nước được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức: Phát hành ấn phẩm, niêm yết, đăng trên cổng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghị định 25/2017/NĐ-CP quy định nội dung Báo cáo tài chính Nhà nước; việc tổ chức thực hiện lập, công khai Báo cáo tài chính Nhà nước; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cung cấp thông tin phục vụ việc lập Báo cáo tài chính Nhà nước.

Đối tượng áp dụng Nghị định là các đơn vị có nhiệm vụ lập Báo cáo tài chính Nhà nước và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có nhiệm vụ cung cấp thông tin để lập Báo cáo tài chính Nhà nước, gồm: Bộ Tài chính; Kho bạc Nhà nước các cấp; Cơ quan quản lý, thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) các cấp; Cơ quan quản lý tài sản, nguồn vốn của Nhà nước các cấp; Cơ quan nhà nước, tổ chức có sử dụng NSNN; cơ quan, tổ chức quản lý quỹ tài chính NSNN ngoài ngân sách; Đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, còn có các đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng Báo cáo tài chính Nhà nước.

Phạm vi lập Báo cáo tài chính Nhà nước là trên phạm vi toàn quốc (Báo cáo tài chính toàn quốc) và trên phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh).

Báo cáo tài chính Nhà nước toàn quốc phản ánh toàn bộ thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ NSNN hoặc do Nhà nước quản lý trên phạm vi toàn quốc.

Báo cáo tài chính tỉnh phản ánh toàn bộ thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ NSNN hoặc do Nhà nước quản lý trên phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tỉnh).

Nội dung thể hiện của Báo cáo tình hình tài chính Nhà nước gồm: Tài sản nhà nước; nợ phải trả của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước. Nội dung báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước gồm: Thu nhập của Nhà nước; chi phí của Nhà nước; kết quả hoạt động tài chính của Nhà nước. Trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cần thể hiện được các thông tin về: luồng tiền từ hoạt động chủ yếu của Nhà nước; luồng tiền từ hoạt động đầu tư của Nhà nước; luồng tiền từ hoạt động tài chính của Nhà nước.

Báo cáo tài chính Nhà nước toàn quốc và tỉnh được lập theo kỳ kế toán năm được tính từ ngày 1/1 đến 31/12 năm dương lịch.

 

Về công khai Báo cáo tài chính Nhà nước, Nghị định 25/2017/NĐ-CP quy định Ủy ban nhân dân tỉnh công khai các thông tin trong báo cáo tài chính nhà nước tỉnh, bao gồm: Tình hình tài sản của Nhà nước; nợ chính quyền địa phương, các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ nhà nước trên phạm vi tỉnh; trừ số liệu chi tiết thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia;

Trong khi đó, Bộ Tài chính công khai các thông tin trong báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc, bao gồm: Tình hình tài sản của Nhà nước; nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ nhà nước trên phạm vi toàn quốc; trừ số liệu chi tiết thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia.

Việc công khai báo cáo tài chính nhà nước được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức: Phát hành ấn phẩm, niêm yết, đăng trên cổng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Về thời hạn công khai báo cáo tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh công khai Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh được báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh; Bộ Tài chính công khai Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc được báo cáo trước Quốc hội.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Báo cáo tài chính nhà nước đầu tiên được lập theo số liệu tài chính năm 2018.