Tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải làm thủ tục gì?

PV.

Trong quá trình hoạt động kinh doanh có nhiều trường hợp doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả thì chủ doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp. Khi tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp phải thực hiện thông báo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tạm ngừng kinh doanh là việc doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định vì nhiều lý do khác nhau như gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh và không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh hoặc cần thời gian để sắp xếp lại công việc.

Việc tạm ngừng kinh doanh phải tuân theo một số quy định về thủ tục cũng như nghĩa vụ phải thực hiện. Các doanh nghiệp cần lưu ý một số quy định pháp luật liên quan đến tạm ngừng kinh doanh như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp: Chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.

Như vậy theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP, thời gian doanh nghiệp phải gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở đã rút ngắn hơn so với trước đây là chậm nhất 15 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh. Theo quy định cũ, tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh tối đa là 2 năm, tuy nhiên, Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã không còn quy định này. Theo đó, mỗi lần tạm ngừng kinh doanh tối đa là 1 năm và không bị giới hạn thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp.

Về nghĩa vụ thuế trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh (quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ):

người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.

Người nộp thuế không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Trường hợp người nộp thuế được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo quy định.

Người nộp thuế phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn không duy trì được hoạt động và phải tạm ngừng kinh doanh, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của pháp luật về thủ tục hồ sơ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước khi thông báo tạm ngừng kinh doanh.