Tăng tỷ lệ nộp ngân sách từ nguồn phí sở hữu trí tuệ

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Đó là một trong những nội dung quan trọng nhất được đề xuất tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 158/2010/TT-BTC ngày 12/10/2010, hướng dẫn chế độ tài chính đối với Cục Sở hữu trí tuệ. Dự thảo này đang được Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến.

Trong phần quy định về nguồn phí, lệ phí sở hữu công nghiệp, dự thảo có những sửa đổi về điều tiết nguồn thu, theo hướng giảm tỷ lệ điều tiết được giữ lại tại Cục Sở hữu trí tuệ, tăng phần nộp về cho NSNN.

Nguồn thu phí, lệ phí được điều tiết như sau:

Cục Sở hữu trí tuệ được để lại 70% từ nguồn thu phí, lệ phí để phục vụ hoạt động của cục và đầu tư phát triển sự nghiệp sở hữu trí tuệ. Mức điều tiết hiện quy định tại Thông tư 158 là 85%.

Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm nộp 30% số tiền phí, lệ phí vào NSNN. Định kỳ hàng tháng và kết thúc mỗi năm tài chính đơn vị có trách nhiệm kê khai, nộp và quyết toán 30% số tiền phí, lệ phí thu được vào ngân sách. Mức quy định theo thông tư 158 là 15%.

Trong phần nội dung chi và mức chi, ở mục chi bổ sung thu nhập và trích quỹ, dự kiến cũng sẽ có điều chỉnh giảm tỷ lệ trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

Cụ thể, dự thảo quy định: Trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp tối thiểu bằng 25% số chênh lệch giữa nguồn phí, lệ phí được để lại (trừ đi một số các nội dung chi đã quy định tại thông tư này). Tỷ lệ này được quy định tại thông tư 158 là 50%.

Cũng trong phần này, Thông tư 158 có quy định: “Trả thu nhập tăng thêm cho người lao động. Mức chi trả thu nhập tăng thêm cụ thể cho từng người lao động do thủ trưởng đơn vị xem xét quyết định trên nguyên tắc người có năng suất lao động, chất lượng công việc cao hơn sẽ được trả thu nhập tăng thêm cao hơn.”

Dự thảo bổ sung vào phần cuối: “Mức chi thu nhập tăng thêm tối đa không quá 2 lần tiền lương ngạch bậc”.

Trong phần quy định về việc sử dụng các quỹ, ở phần quy định về các khoản chi trong việc sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, dự thảo đề xuất bổ sung thêm: “Việc mua sắm, sửa chữa lớn tài sản, trang thiết bị phục vụ công tác từ 10 tỷ đồng trở lên cần có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính trước khi thực hiện.”