Yêu cầu thực hiện thống nhất về quản lý và sử dụng vốn ngân sách địa phương

PV.

Nhằm quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác được thực hiện thống nhất, hiệu quả, ngày 8/2/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 11/2017/TT-BTC quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, Thông tư này quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay đối với người nghèo và cac đối tượng cính sách khác.

Cụ thể, về nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Thông tư quy định, nguồn vốn còn lại tại thời điểm giải thể của Quỹ Giải quyết việc làm địa phương thành lập theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với Quỹ Dự phòng rủi ro địa phương đã trích lập theo quy định tại Thông tư số 73/2008/TT-BTC ngày 1/8/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng Quỹ Giải quyết việc làm địa phương và kinh phí quản lý Quỹ quốc gia về việc làm được tiếp tục giao NHCSXH quản lý để xử lý rủi ro theo quy định tại khoản 8 Điều 5 Thông tư này.

Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương trích hàng năm (bao gồm ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương và khả năng cân đối ngân sách) ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (đối với ngân sách cấp tỉnh), Hội đồng nhân dân cấp huyện (đối với ngân sách cấp huyện) quyết định.

Nguồn tiền lãi thu được từ cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được trích hàng năm để bổ sung vào nguồn vốn ủy thác theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 5 Thông tư này.

Về quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương, Thông tư 11/2017/TT-BTC nêu rõ, cơ quan chuyên môn được UBND các cấp ủy quyền ký hợp đồng ủy thác với NHCSXH các cấp:

- Cấp tỉnh: Cơ quan chuyên môn ký hợp đồng ủy thác với Chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh (đối với nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh);

- Cấp huyện: Cơ quan chuyên môn ký hợp đồng ủy thác với Phòng Giao dịch NHCSXH cấp huyện (đối với nguồn vốn ngân sách cấp huyện).

Đối tượng cho vay thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác  và một số đối tượng chính sách khác tại địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định (nếu có).

Về sử dụng vốn vay được quy định tại Điều 14 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP và tình hình đối tượng, nhu cầu sử dụng vốn vay thực tế của địa phương để quy định…

Gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn, Thông tư quy định, thẩm quyền gia hạn nợ do NHCSXH các cấp xem xét, quyết định theo quy định của NHCSXH trong từng thời kỳ…

Về thực hiện chế độ báo cáo, Thông tư số 11/2017/TT-BTC nêu rõ, đối với nguồn vốn do ngân sách cấp tỉnh ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH tỉnh: Định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất, Chi nhánh NHCSXH tỉnh báo cáo tổng nguồn vốn, kết quả cho vay từ nguồn vốn ủy thác gửi UBND cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn được giao ký hợp đồng ủy thác;

Đối với nguồn vốn do ngân sách cấp huyện ủy thác qua Phòng giao dịch NHCSXH huyện: Định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất, Phòng giao dịch NHCSXH huyện báo cáo tổng nguồn vốn, kết quả cho vay từ nguồn vốn ủy thác gửi UBND cấp huyện, cơ quan chuyên môn được giao ký hợp đồng ủy thác.