Chính sách thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với máy thở để phòng, chống Covid-19?


Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 5583/TCHQ-TXNK ngày 21/08/2020 trả lời Công ty TNHH Văn Lang HealthCare (TP. Hồ Chí Minh) về nhập khẩu máy thở. Theo đó, máy thở viện trợ  cho công tác phòng chống dịch Covid-19 thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu nhưng lại thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Đại đoàn kết
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Đại đoàn kết

Trước đó, Tổng cục Hải quan nhận được Công văn số 18/CV-VLH ngày 06/8/2020 của Công ty TNHH Văn Lang Healthcare xin hỗ trợ xác nhận 2000 máy thở Eliciae MV20 nhập khẩu để viện trợ nhân đạo cho Chính phủ, Bộ Y tế phòng chống dịch Covid-19 thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu và không chịu thuế GTGT.

Trả lời Công ty TNHH Văn Lang HealthCare về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, về thuế nhập khẩu, căn cứ Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 57/2010/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP thì máy thở thuộc mã hàng 9019.20.00 “Máy trị liệu bằng ozon, bằng oxy, bằng xông, máy hô hấp nhân tạo hoặc máy hô hấp trị liệu khác” và mã hàng 9020.20.00 “Thiết bị thở khác” có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 0%.

Về thuế GTGT, theo khoản 19, Điều 5 Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 thì “Hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; quà biếu, quà tặng cho cá nhân tại Việt Nam theo mức quy định của Chính phủ... Hàng hóa, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viên trợ không hoàn lại cho Việt Nam” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Bên cạnh đó, theo khoản 9 Điều 3 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế GTGT thì đối với hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại nhập khẩu phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Căn cứ các quy định về hàng hóa viện trợ tại Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ quy định về viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (thay thế bởi Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam và có hiệu lực từ ngày 17/9/2020), Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày 20/4/2020 quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khấn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai thì các Nghị định này có phạm vi điều chỉnh về việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng đối với các khoản viện trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài cho cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Ngoài ra, theo khoản 19 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013, thì hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại và phải được Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính xác nhận.

Bên cạnh đó, khoản 8 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 hướng dẫn về thuế GTGT và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC quy định: “Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ chuyên dùng cho y tế như: các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai và các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng cho y tế khác theo xác nhận của Bộ Y tế” có thuế suất 5%.

Như vậy, dựa vào các quy định nêu trên, trường hợp Công ty TNHH Văn Lang Healthcare nhập khẩu 2000 máy thở Eliciae MV20 từ nước ngoài đã làm thủ tục nhập khẩu, sau đó, viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam (thuộc viện trợ trong nước) không thuộc các trường hợp nhập khẩu hàng hóa viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của nước ngoài cho Việt Nam nên không thuộc các trường hợp được Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính xác nhận hàng viện trợ. Như vậy, hàng hóa nhập khẩu của Công ty không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại khoản 19 Điều 5 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH11 ngày 03/6/2008, khoản 9 Điều 3 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013, khoản 19 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013.

Trường hợp mặt hàng máy thở nhập khẩu của Công ty được Bộ Y tế xác nhận là các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng cho y tế theo quy định tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC thì Công ty nộp thuế GTGT với mức thuế suất thuế GTGT là 5%. Trường hợp không có xác nhận của Bộ Y tế thì áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 10%.

Về chính sách quản lý mặt hàng, Tổng cục Hải quan đề nghị Công ty TNHH Văn Lang Healthcare thực hiện theo quy định tại Nghị định số 36/2016/NĐ- CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định về quản lý trang thiết bị y tế, Nghị định số 169/2018/NĐ-CP ngày 31/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016, Nghị định số 03/2020/NĐ-CP ngày 01/01/2020 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 và Nghị định số 169/2018/NĐ-CP ngày 31/12/2018.