Cơ chế tài chính mới đối với dự án sử dụng vốn ODA trong lĩnh vực y tế

PV. (Tổng hợp)

Chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7/2017, Quyết định số 19/2017/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/6/2017 đã quy định cụ thể cơ chế tài chính áp dụng thí điểm đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi ngành Y tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quyết định nêu rõ, đối với các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội hoặc các lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương: Cấp phát 100% vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Riêng đối với các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội hoặc các lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương: Cấp phát 100% vốn ODA viện trợ không hoàn lại; ngân sách Trung ương hỗ trợ cấp phát một phần, cho vay lại một phần với tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi theo quy định pháp luật về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đối với các chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn toàn bộ hoặc một phần: Đối với các chương trình, dự án do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thực hiện được cấp phát 100% vốn ODA viện trợ không hoàn lại; cho vay lại 20% vốn vay ODA và 50% vốn vay ưu đãi. Đối với các chương trình, dự án do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập thực hiện cho vay lại 100% vốn nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, trong trường hợp cần thiết phải áp dụng cơ chế tài chính khác cơ chế này, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi mà cơ chế tài chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Quyết định này có hiệu lực tiếp tục áp dụng cơ chế tài chính đã được phê duyệt.