Điểm lại các chính sách tài chính có hiệu lực từ tháng 12/2021

Việt Dũng (Tổng hợp)

Thay đổi quy định về kỳ xét ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước; bổ sung một số mức phí trong lĩnh vực thủy sản... là những chính sách tài chính có hiệu lực trong tháng cuối của năm 2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước

Nghị định số 103/2021/NĐ-CP Chính phủ ban hành về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.

Theo đó, Nghị định quy định lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022 có mức thu bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Từ ngày 01/6/2022 trở đi: Mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ: các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Nghị định số 103/2021/NĐ-CP

Thay đổi quy định về kỳ xét ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô

Nghị định số 101/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 57/2020/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu, ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan có hiệu lực từ ngày 31/12/2021. 

Điểm đáng chú ý của Nghị định 101/2021/NĐ-CP là cho phép doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế 6 tháng hoặc 12 tháng. Cụ thể như sau:

Kỳ xét ưu đãi thuế 06 tháng tính từ ngày 01/01 đến ngày 30/6 hoặc từ ngày 01/7 đến ngày 31/12 hằng năm

Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế 06 tháng, đã được xử lý tiền thuế nộp thừa đối trong kỳ 06 tháng đầu năm và 06 tháng cuối năm không đạt điều kiện sản lượng theo quy định nhưng tổng sản lượng của cả năm đáp ứng điều kiện về sản lượng của kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng thì vẫn được xét ưu đãi thuế cho kỳ 06 tháng cuối năm.

Đồng thời, doanh nghiệp được xử lý số thuế nộp thừa đối với số linh kiện đã sử dụng trong kỳ nếu đáp ứng quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 7a Nghị định số 125/2017/NĐ-CP.

Kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 hằng năm. Nghị định số 57/2020/NĐ-CP hiện hành chỉ quy định về kỳ xét ưu đãi thuế 06 tháng tính từ ngày 01/01 đến ngày 30/6 hoặc từ ngày 01/7 đến ngày 31/12 hàng năm.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Nghị định số 101/2021/NĐ-CP

Được giữ lại 70% số tiền phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản

Đây là nội dung được quy định tại Thông tư số 91/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 191/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.

Theo đó, tổ chức thu phí thẩm định, đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản được để lại 70% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí và nộp 30% vào ngân sách nhà nước (Theo Thông tư số 191/2016/TT-BTC hiện hành, các tổ chức này được để lại 90% phí thu được và nộp 10% vào ngân sách nhà nước).

Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định thì phải nộp 100% tiền phí thu được vào NSNN.

Bên cạnh đó, tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai,theo tháng, quyết toán năm theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định 126/2020/NĐ-CP. 

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 91/2021/TT-BTC

Bổ sung một số mức phí trong lĩnh vực thủy sản

Thông tư số 94/2021/TT-BTC Bộ Tài chính ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng kiểm an toàn kỹ thuật tàu cá, kiểm định trang thiết bị nghề cá; phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản; lệ phí cấp giấy phép khai thác, hoạt động thủy sản có hiệu lực từ 17/12/2021. Cụ thể:

- Bổ sung thêm phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản (thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá) là 12,450 triệu đồng/lần.

- Kiểm tra phần thân vỏ tàu tính theo dung tích: 3.500 đồng/GT.

- Kiểm tra phần máy tàu (Tổng công suất máy chính + máy phụ ): 2.720 đồng/KW.

- Thiết bị hàng hải: 105.000 đồng/lần/hệ thống.

- Thiết bị vô tuyến điện: 131.000 đồng/lần/hệ thống.

- Phương tiện tín hiệu: 41.000 đồng/lần/hệ thống.

- Phương tiện cứu sinh: 105.000 đồng/lần/hệ thống.

- Trang thiết bị nghề cá: 140.000 đồng/lần/hệ thống;...

Ngoài ra, Thông tư số 94/2021 cũng quy định về việc quản lý phí, lệ phí. Cụ thể, tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được giữ lại 90% số tiền phí thu được và nộp 10% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 94/2021/TT-BTC

82 dữ liệu kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá

Thông tư số 93/2021/TT-BTC Bộ Tài chính ban hành quy định cấu trúc, định dạng dữ liệu phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2021.

Theo đó, danh sách dữ liệu, thông điệp kết nối, chia sẻ được quy định nhằm mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá sử dụng dịch vụ web dạng SOAP hoặc RESTful; Cấu trúc, định dạng dữ liệu sử dụng XML hoặc JSON. Cụ thể, 82 dữ liệu kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá gồm:

Trước hết, nhóm giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bao gồm: Khung giá đất; Khung giá cho thuê mặt nước; Khung giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; Giá tối đa đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập; Giá bán tối thiểu đối với sản phẩm thuốc lá điếu tiêu thụ trong nước.

Tiếp theo, nhóm đăng ký giá, kê khai giá gồm có: Điện bán lẻ; Muối ăn; Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Dịch vụ tại cảng biển; Sách giáo khoa; Cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, cước vận tải hành khách bằng taxi…

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 93/2021/TT-BTC