Điểm lại chính sách tài chính có hiệu lực trong tháng 9/2022

Việt Dũng

Tháng 9/2022, hàng loạt chính sách tài chính bắt đầu có hiệu lực. Trong đó, nổi bật là hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện; Thay đổi về thủ tục nhập khẩu xe không nhằm mục đích thương mại; hay quy định về mức chi cho xây dựng văn bản quy phạm pháp luật...

Từ 1/9, làm từ thiện phải ghi chép đầy đủ kết quả tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp

Theo Thông tư số 41/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện có hiệu lực từ ngày 1/9/2022, các cá nhân có các hoạt động xã hội, từ thiện có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo quy định; đồng thời lập báo cáo và công khai tình hình tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật...

Mời xem nội dung văn bản tại đây: Thông tư số 41/2022/TT-BTC

Tăng mức chi cho xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Có hiệu lực từ ngày 1/9/2022, Thông tư số 42/2022/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Cụ thể, thay đổi mức chi soạn thảo đối với Nghị định ban hành mới hoặc thay thế: mức chi 11 triệu đồng/dự thảo văn bản. So với hiện hành Thông tư số 338/2016/TT-BTC, tăng mức chi từ 7,5 triệu đồng lên 11 triệu đồng. 

Mức chi soạn thảo đối với Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế: 6,5 triệu đồng/dự thảo văn bản. So với hiện hành, tăng mức chi từ 4,5 triệu đồng lên 6,5 triệu đồng. 

Mức chi soạn thảo đối với Thông tư ban hành mới hoặc thay thế là 4,8 triệu đồng/dự thảo văn bản. So với hiện hành, tăng mức chi từ 3,2 triệu đồng lên 4,8 triệu đồng.

 Mức chi soạn thảo đối với Thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế: mức chi 4 triệu đồng/dự thảo văn bản. So với hiện hành, tăng mức chi từ 2,7 triệu đồng lên 4 triệu đồng.

Mời xem nội dung văn bản tại đây: Thông tư số 42/2022/TT-BTC

Quy định mới về chế độ trợ cấp đối với người có công

Có hiệu lực từ ngày 5/9/2022, Thông tư số 44/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.

Thông tư nêu rõ, 2 đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng gồm: Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong ngành công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg; quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội, đã phục viên, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, thực hiện trợ cấp hàng tháng và trợ cấp 1 lần đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg;...

Mời xem nội dung văn bản tại đây: Thông tư số 44/2022/TT-BTC

Thay đổi về thủ tục nhập khẩu xe không nhằm mục đích thương mại

Thông tư số 45/2022/TT-BTC bổ sung một số quy định về thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe không nhằm mục đích thương mại như:

- Trong 08 giờ làm việc kể từ thời điểm hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hóa, nếu có cơ sở xác định trị giá kê khai là chưa phù hợp với thực tế thì cơ quan hải quan xác định trị giá hải quan cho hàng hóa theo quy định.

- Nếu nộp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không đúng thời hạn, cơ quan hải quan lập biên bản vi phạm, trừ trường hợp có lý do khách quan đã được cơ quan chuyên ngành xác nhận...

Mời xem nội dung văn bản tại đây: Thông tư số 45/2022/TT-BTC

Thu phí sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Thông tư số 48/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG) có hiệu lực từ 17/9/2022.

Thông tư số 48/2022/TT-BTC nêu rõ, người nộp phí là cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 Luật Căn cước công dân có đề nghị khai thác và sử dụng thông tin trong CSDLQG về dân cư và được cơ quan quản lý CSDLQG về dân cư có thẩm quyền cung cấp thông tin trong CSDLQG về dân cư theo quy định pháp luật.

Thông tư quy định mức phí xác thực thông tin công dân, khai thác kết quả thông tin như sau:

TT Nội dung công việc thu phí Mức thu (đồng/trường thông tin)
1 Xác thực thông tin công dân bằng tin nhắn SMS, văn bản điện tử, văn bản giấy (sản phẩm SPDC01) 1.000
2 Tin nhắn SMS trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác (sản phẩm SPDC02) 1.000
3 Văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua cổng dịch vụ công (sản phẩm SPDC03) 1.000
4 Văn bản điện tử trả lời kết quả thông tin đề nghị khai thác qua ứng dụng phần mềm (sản phẩm SPDC04) 1.000
5 Văn bản giấy trả lời kết quả thông tin đề nghị cung cấp (sản phẩm SPDC05) 1.000

 

Kể từ ngày 17/9/2022 đến hết ngày 31/12/2023, áp dụng mức thu bằng 50% mức phí quy định tại bảng trên. Kể từ ngày 01/01/2024 trở đi, áp dụng mức thu theo mức phí quy định tại bảng trên.

Mời xem nội dung văn bản tại đây: Thông tư số 48/2022/TT-BTC