Điều chỉnh thuế suất thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi với một số tài nguyên khoáng sản

Ngọc Ánh

Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ đã sửa đổi thuế suất thuế xuất khẩu và thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng tài nguyên khoáng sản để bảo vệ, thúc đẩy khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nước, hạn chế việc xuất khẩu tài nguyên thô, chưa qua chế biến và góp phần đơn giản biểu thuế, hạn chế gian lận thương mại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 25/4/2011, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 02-NQ/TW về định hướng, chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.

Theo đó, để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc quản lý, khai thác tài nguyên quốc gia, tại Nghị định số 101/2021/NĐ-CP, căn cứ khung thuế suất được Quốc hội quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Chính phủ đã điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng tài nguyên khoáng sản như đá, clanhke.

Tuy nhiên, để hạn chế các tác động đối các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho cho doanh nghiệp thời gian hợp lý điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh và xử lý hàng tồn kho, việc điều chỉnh được thực hiện theo lộ trình. Trong đó, đối với các mặt hàng đá và sản phẩm làm từ đá được thực hiện theo lộ trình 3 giai đoạn theo 3 năm (2022-2024) và mức tăng thuế suất của mỗi lần điều chỉnh không quá 5%.

Việc điều chỉnh thuế suất thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi với một số tài nguyên khoáng sản như trên góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản trong nước trước việc khai thác xuất khẩu tài nguyên thô đang có xu hướng tăng mạnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cạn kiệt nguồn tài nguyên quốc gia, nhất là các loại khoáng sản không tái tạo.