Hoàn thiện chính sách thuế gián thu ở Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế


Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc trở thành thành viên của ASEAN, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định song phương, đa phương với hầu hết các nước trên thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách thuế là một đòi hỏi tất yếu. Vì vậy, bài viết đánh giá thực trạng cải cách các chính sách thuế gián thu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường), cũng như những khó khăn, thách thức trong triển khai loại thuế này trong bối cảnh hội nhập quốc tế, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện các chính sách thuế gián thu.

Cải cách hệ thống chính sách thuế gián thu trong giai đoạn 2015-2020

Để theo kịp với xu thế hội nhập quốc tế, trong những năm qua, việc ban hành kịp thời các chính sách thuế nói chung và đặc biệt thuế gián thu ở nước ta nói riêng đã góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách phân bổ nguồn lực theo hướng đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Các chính sách này đã đảm bảo nguồn thu quan trọng và ổn định cho ngân sách nhà nước (NSNN), bảo đảm nguồn lực tài chính quốc gia để phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo và củng cố an ninh, quốc phòng...

Trong giai đoạn 2010-2016, gần 500 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chính sách thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, bộ và liên bộ đã được ban hành. Các chính sách thuế được sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hoá công tác quản lý thuế. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, để hạn chế tác động của việc thực hiện các cam kết hội nhập, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật thuế.

Có thể kể đến một số luật, nghị quyết, nghị định đã được ban hành trong năm 2014, 2015, 2016 như: Luật số 70/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB); Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế; Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp (DN); Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế. Cụ thể:

Về thuế bảo vệ môi trường

Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) ở Việt Nam bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Luật này có đối tượng chịu thuế là các sản phẩm gây ô nhiễm như: Xăng, dầu, mỡ nhờn; than đá; dung dịch HCFC; túi ni lông thuộc diện chịu thuế; thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản và thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng. Có thể thấy, Luật Thuế BVMT thể hiện rõ quan điểm sử dụng thuế điều tiết vào các hàng hóa gây ô nhiễm nhằm BVMT sinh thái, góp phần thay đổi nhận thức của con người đối với môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững theo xu hướng phát triển của thế giới.

Để đảm bảo nguồn thu NSNN trước bối cảnh giá dầu thế giới giảm và duy trì ở mức thấp, cũng như đảm bảo nguồn thu NSNN ổn định khi thực hiện lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết quốc tế. Đồng thời, khuyến khích sử dụng xăng dầu sinh học, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13 ngày 10/3/2015 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 về biểu thuế BVMT điều chỉnh tăng mức thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu (trừ dầu hỏa).

Về thuế tiêu thụ đặc biệt

Ở Việt Nam, Luật Thuế TTĐB lần đầu tiên được ban hành vào năm 1990 trong chương trình cải cách thuế giai đoạn I. Ngày 14/11/2008, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Thuế TTĐB với nhiều điểm mới. Kể từ 1/1/2016, Luật Thuế TTĐB sửa đổi 2014 bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, có những điểm mới nổi bật sau:

- Về đối tượng chịu thuế và không chịu thuế: Nap-ta (naphtha), chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khác để pha chế xăng không còn thuộc đối tượng chịu thuế. Thêm đối tượng không chịu thuế là tàu bay sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng.

- Về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa, dịch vụ là giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ chưa có thuế TTĐB, chưa có thuế BVMT và chưa có thuế GTGT.

- Về thuế suất: Thuế suất đối với mặt hàng có cồn được các nước đối tác dành sự quan tâm đặc biệt. Do đó, trong lần sửa đổi này, bên cạnh việc khắc phục những tồn tại trong quy định của Luật và thực tế thi hành về thuế suất... còn đảm bảo việc thực hiện các cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO, thuế suất thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn tăng theo lộ trình; Thuế suất đối với kinh doanh ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng: tăng từ 30% lên 35%.

Về thuế giá trị gia tăng

Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế được ban hành nhằm giải quyết khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông nông sản, thủy hải sản trong nước. Khuyến khích chế biến sâu, hạn chế đối với việc xuất khẩu khoáng sản hoặc sản phẩm mà giá trị khoáng sản trong giá trị hàng hóa thô chưa qua chế biến.

Điều chỉnh chính sách thuế để hỗ trợ DN chủ động trong đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh khi thời điểm thực hiện các cam kết gỡ bỏ hàng rào thuế quan theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế đang tới gần (2 - 3 năm). Những sửa đổi, bổ sung tiệm cận chuẩn mực và phù hợp với những cam kết hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; Tiếp tục góp phần đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hoá công tác quản lý thuế, phù hợp với xu thế cải cách hệ thống thuế.

Về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Luật Thuế xuất khẩu (XK), thuế nhập khẩu (NK) số 107/2016/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 6/4/2016, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy XK; bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc phù hợp với tiến trình hội nhập. Để phù hợp thông lệ quốc tế, Luật Thuế Thuế XK, thuế NK năm 2016 đã bổ sung quy định về áp dụng thuế XK đối với trường hợp có hàng hóa XK sang nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi về thuế XK trong quan hệ thương mại với Việt Nam.

Luật cũng quy định về thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với hàng hóa từ khu phi thuế quan NK vào thị trường trong nước, đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế NK trong quan hệ thương mại với Việt Nam. Thuế suất thông thường được quy định bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng. Trường hợp mức thuế suất ưu đãi bằng 0%, Thủ tướng Chính phủ căn cứ quy định tại Điều 10 của Luật để quyết định việc áp dụng mức thuế suất thông thường…

Những khó khăn, thách thức trong triển khai thuế gián thu

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thuế gián thu trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng gặp phải những khó khăn, thách thức, cụ thể:

Thứ nhất, thách thức từ việc tạo thêm nhiều gánh nặng hơn cho hệ thống quản lý tính tuân thủ pháp luật thuế và gia tăng nguy cơ trốn thuế khi chuyển ưu tiên thu thuế từ thị trường xuất nhập khẩu (XNK) sang thị trường nội địa.

Để số thu thuế vẫn tăng theo yêu cầu đảm bảo nguồn thu, số thu từ thuế gián thu sẽ dịch chuyển ưu tiên thu thuế từ thị trường XNK sang thị trường nội địa, chính sách thuế có tiến bộ nhìn từ phương diện tính công bằng, nhưng vẫn đối diện với nhiều vấn đề tác động nhất định đến hiệu quả và hiệu lực của nó. Việc chuyển dịch này tạo thêm nhiều gánh nặng hơn cho hệ thống quản lý tính tuân thủ pháp luật và gia tăng nguy cơ trốn thuế. Có thể nhận diện một số vấn đề phải đối mặt trong quản lý thuế, bao gồm: Mức độ tuân thủ thấp; Cơ sở thuế chưa đủ rộng; Sự hiện diện của các hoạt động kinh tế không chính thức; Giao dịch thanh toán bằng tiền mặt…

Bên cạnh đó, số lượng đối tượng nộp thuế tiềm năng tăng nhanh hơn so với năng lực quản lý của hệ thống thuế hiện nay. Việc phân quyền phân cấp thu ngân sách trong thu thuế gián thu giữa trung ương và địa phương cũng phát sinh thêm một số vấn đề về kế toán và kiểm soát. Các thủ tục hành chính thuế chưa tinh gọn, các văn bản dưới luật chưa ban hành kịp thời… tác động đến đối tượng nộp thuế, tất cả đã làm tăng gánh nặng tuân thủ và quyền chủ động của thanh tra thuế.

Thứ hai, thách thức khi tăng thuế gián thu nhằm áp dụng theo thông lệ quốc tế trong trường hợp cần cơ cấu lại nguồn thu ngân sách.

Hoàn thiện chính sách thuế gián thu ở Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế   - Ảnh 1

Việc giảm thu từ thuế XNK hiện đang được bù đắp chủ yếu bằng sự vận hành hiệu quả của thuế GTGT. Mặc dù, một số đặc tính liên kết chuỗi trong hệ thống thuế GTGT của Việt Nam đã góp phần đặc biệt vào kết quả hoạt động thu thuế dựa trên hiệu suất của nền kinh tế, thách thức ngắn hạn và trung hạn là kế hoạch điều chỉnh thuế GTGT, bao gồm thể chế hợp lý hóa việc miễn thuế và tăng cường hoàn thuế GTGT, có thể gây ra tổn thất làm giảm nguồn thu từ thuế.

Tuy nhiên, thuế GTGT là thuế gián thu, thực chất tiền thuế “đánh” vào người tiêu dùng cuối cùng, hàng loạt dịch vụ, hàng hóa thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế và các lĩnh vực thuộc 5 nhóm ưu tiên sẽ đồng loạt tăng giá theo. Trong đó, hàng triệu bệnh nhân, học sinh, sinh viên và người nông dân sẽ bị ảnh hưởng, do vậy, việc tăng thuế sẽ khiến hàng triệu người dân bị ảnh hưởng, có thể làm suy giảm sức cầu hàng hóa.

Thứ ba, khó khăn trong việc thu thuế gián thu từ hoạt động thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ qua biên giới.

Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhiều ngành nghề, lĩnh vực mới phát triển dẫn tới sự bùng nổ của các dịch vụ xuyên biên giới, cũng như làm thay đổi trong khái niệm về dịch vụ. Các DN công nghệ có thể tạo ra doanh thu trên lãnh thổ của nhiều quốc gia mà không phải nộp thuế tại quốc gia đó. Điều này khiến cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam gặp khó khăn trong việc đánh thuế cho các dịch vụ xuyên biên giới. Hay nói cách khác, việc thực hiện thu thuế dịch vụ xuyên biên giới trong bối cảnh nền kinh tế số đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các quốc gia.

Thứ tư, chất lượng nguồn nhân lực quản lý hệ thống thuế còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu tình hình thực tiễn.

Nhân lực chất lượng cao cũng là một thách thức trong nỗ lực thu thuế, đặc biệt trong giai đoạn phát triển Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, với các giao dịch thương mại, dịch vụ và hàng hoá xuyên biên giới nói riêng và các hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế số nói chung...

Giải pháp hoàn thiện chính sách thuế gián thu ở Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thiện chính sách thuế gián thu ở Việt Nam theo hướng sau:

Một là, mở rộng cơ sở thuế.

Với mục tiêu đảm bảo bao quát nguồn thu, hướng tới hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thu NSNN thì cần mở rộng cơ sở thuế. Tuy nhiên, mở rộng cơ sở thuế không đồng nghĩa với việc gia tăng thuế suất trên mỗi cá nhân, mà là mở rộng phạm vi đánh thuế theo hướng thu hút ngày càng nhiều đối tượng vào diện chịu thuế, hoặc nâng giá trị tính thuế nhằm nâng số thu từ thuế trong phạm vi cả nước. Việc mở rộng cơ sở thuế hướng đến, đó là lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số (gọi chung là kinh doanh thương mại điện tử); lĩnh vực hộ kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán. Cụ thể:

- Đối với thuế TTĐB: Rà soát, nghiên cứu bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu, casino… do các mặt hàng này ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dân hoặc gây ô nhiễm môi trường như xăng dầu, than, khai thác khoáng sản…

- Đối với thuế GTGT: Có lộ trình thực hiện giảm dần mức thuế GTGT ở mức 5%, đến năm 2030 cơ bản chỉ còn một mức thuế (khoảng 10%), rà soát các đối tượng không thu thuế GTGT; hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa XK có GTGT lớn, cần mở rộng đối tượng chịu thuế như  đối với các loại dịch vụ  khách sạn, hay tăng thuế suất đối với các dịch vụ điện thoại di động. Mở rộng đối tượng chịu thuế GTGT, trong đó cần xác định rõ và cụ thể các đối tượng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, hoạt động cung cấp dịch vụ như trò chơi điện tử, bán hàng trực tuyến hay cung cấp dịch vụ trực tuyến như truy cập tải về các chương trình phần mềm ứng dụng, âm nhạc, phim ảnh hay nhạc chờ điện thoại…

- Đối với thuế BVMT: Nghiên cứu xây dựng, bổ sung Luật Thuế BVMT đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường khi sản xuất, sử dụng và sau khi sử dụng (acquy chì, hóa chất, săm lốp ô tô, thiết bị điện tử…).

Hai là, cơ cấu lại nguồn thu.

Cần tập trung cơ cấu lại nguồn thu, hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa các sắc thuế trong thuế gián thu, giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ BVMT, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý. 

Ba là, tiếp tục đơn giản hóa các sắc thuế.

Tiếp tục đơn giản hóa các sắc thuế sẽ mang lại hiệu suất kinh tế cao hơn. Đối với thuế GTGT, giảm số thuế suất (hiện nay là 10%, 5% và 0%) và áp dụng cơ cấu đơn giản hơn với chỉ một thuế suất là 10%, ngoài thuế suất 0% sẽ là hướng đi đúng. Việc chỉ áp dụng một mức thuế suất sẽ giúp giảm chi phí tuân thủ do giảm yêu cầu ghi sổ và hóa đơn và đồng thời tạo cơ hội đơn giản hóa biểu mẫu khai thuế. Tương tự như vậy, quá nhiều các mục miễn giảm (hiện nay là 26) dẫn đến các vấn đề hành chính và tuân thủ đối với những người kinh doanh cả các mặt hàng được miễn thuế và không được miễn thuế.

Bốn là, tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý thuế.

Tăng cường đổi mới công tác đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và kế toán thuế; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo hướng hoàn thiện thể chế và các quy trình quản lý nợ, đáp ứng yêu cầu chuẩn mực quốc tế, phù hợp với Luật Quản lý thuế sửa đổi.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, kê khai, nộp thuế đến tất cả người nộp thuế có hoạt động thương mại điện tử; rà soát, đôn đốc người nộp thuế có hoạt động thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế theo quy định phù hợp với phân cấp quản lý người nộp thuế tại địa phương; thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định đối với các DN có kinh doanh thương mại điện tử nhằm đưa việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử vào nề nếp.

Năm là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ngoài việc đảm bảo có được nguồn nhân lực có chất lượng cao để hoàn thành tốt hoạt động quản lý thuế trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần phải thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức, nhân viên các bộ phận nghiệp vụ trong ngành Thuế. Việc thay đổi nhận thức này phải xuất phát từ cách thức quản lý, quy trình nghiệp vụ đồng hành cũng với việc gia tăng các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của hệ thống thuế Việt Nam.

Kết luận

Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong những năm tới đang đứng trước những cơ hội và thách thức không nhỏ. Việc Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới sẽ tạo ra rất nhiều điều kiện thuận lợi. Đó không chỉ đơn thuần là mở rộng giao lưu với các nước mà còn khẳng định vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.

Từ việc mở rộng thị trường, thu hút vốn đầu tư… tạo điều kiện và cơ hội để cho DN Việt Nam gia tăng thị phần trên thị trường thế giới. Việt Nam cần hoàn thiện các sắc thuế nói chung đặc biệt là thuế gián thu để lành mạnh hoá và bền vững ngân sách, bảo đảm công bằng, hiệu quả, hiệu lực, đơn giản, minh bạch; rà soát giảm dần các chính sách ưu đãi thuế không còn hợp lý, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống gian lận, thất thu thuế.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội, Luật số 70/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt;

2. Quốc hội, Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế;

3. Quốc hội, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13;

4. Trần Thị Vân Anh , Một số vấn đề về quản lý thuế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2020;

5. Nguyễn Hồng Thắng, Một số vấn đề đặt ra trong mở rộng cơ sở thuế thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế;

6. Directorate-General for External Policies of the Union - Policy Department (2014), Tax revenue mobilisation in developing countries: issues and challenges, Study requested by the European Parliament’s Committee on Development.