Các hình thức thanh lý ô tô công

Theo Chinhphu.vn

Cơ quan bà Phạm Lan Anh (Hà Nội) muốn thanh lý 1 ô tô sản xuất năm 1992. Xe đã hỏng, không đủ điều kiện thanh lý theo hình thức bán. Bà hỏi, ô tô được thanh lý theo hình thức hủy bỏ, vật liệu thu hồi được xử lý bán thì có đúng quy định không?

Tài sản công được thanh lý theo một trong các hình thức: Phá dỡ, hủy bỏ hoặc bán thanh lý. Nguồn: internet
Tài sản công được thanh lý theo một trong các hình thức: Phá dỡ, hủy bỏ hoặc bán thanh lý. Nguồn: internet

Trường hợp đúng quy định thì thủ tục để hủy bỏ là gì? Trường hợp không đúng quy định thì phải xử lý như thế nào (vì ô tô quá mục nát, không có đơn vị nào chấp nhận mua lại).

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Điều 45 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2018) thì tài sản công được thanh lý theo một trong các hình thức: Phá dỡ, hủy bỏ hoặc bán thanh lý.

Trong đó, việc thanh lý theo hình thức phá dỡ, hủy bỏ thường được áp dụng đối với nhà, công trình, vật kiến trúc và các tài sản khác không sử dụng được theo công năng ban đầu hoặc theo quy định không đủ điều kiện để sử dụng theo công năng ban đầu (ví dụ: xe ô tô tải, xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở lên đã hết niên hạn sử dụng).

Việc quyết định hình thức thanh lý do cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ xem xét, quyết định.

Trường hợp được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt hình thức thanh lý theo phương thức phá dỡ, hủy bỏ, trình tự thủ tục tổ chức thực hiện phá dỡ, hủy bỏ được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.

Vật tư, vật liệu thu hồi từ việc phá dỡ, hủy bỏ được xử lý theo quy định tại Điều 31 của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.