Công chức tập sự có được chi trả thu nhập tăng thêm?

Luật sư Trần Văn Toàn VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

Bà Nguyễn Nhàn trúng tuyển công chức, tập sự 12 tháng từ ngày 1/12/2016 tại một Chi cục thuộc Sở. Tháng 12/2017 cơ quan bà có chi thu nhập tăng thêm cho công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan dựa trên số kinh phí tiết kiệm được trong năm. Bà Nhàn hỏi, bà là công chức tập sự có được hưởng thu nhập tăng thêm này không?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Theo Khoản 8 Điều 3 Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, việc chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức và người lao động được thực hiện như sau:

Cách xác định quỹ tiền lương để trả thu nhập tăng thêm: Trong phạm vi nguồn kinh phí tiết kiệm được, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được áp dụng hệ số tăng thêm quỹ tiền lương tối đa không quá 1,0 (một) lần so với tiền lương ngạch, bậc, chức vụ do nhà nước quy định để trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức và người lao động. Quỹ tiền lương để trả thu nhập tăng thêm một năm được xác định theo công thức:

QTL = Lmin x K1 x K2 x L x 12 tháng

Trong đó:

QTL: Là Quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ của cơ quan được phép trả tăng thêm tối đa trong năm;

Lmin: Là mức lương cơ sở (đồng/tháng) hiện hành do nhà nước quy định;

K1: Là hệ số điều chỉnh tăng thêm thu nhập (tối đa không quá 1,0 lần);

K2: Là hệ số lương ngạch, bậc, chức vụ bình quân của cơ quan;

L: Là số biên chế được giao và số lao động hợp đồng không xác định thời hạn đối với một số chức danh theo quy định của pháp luật và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trả thu nhập tăng thêm theo thành tích đóng góp: Trên cơ sở tổng nguồn kinh phí được phép chi trên đây, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ quyết định phương án chi trả thu nhập tăng thêm cho từng cán bộ, công chức và người lao động (hoặc cho từng bộ phận trực thuộc) theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người (hoặc từng bộ phận trực thuộc). Người nào, bộ phận nào có thành tích đóng góp để tiết kiệm chi, có hiệu suất công tác cao thì được trả thu nhập tăng thêm cao hơn; không thực hiện việc chia thu nhập tăng thêm cào bằng bình quân hoặc chia theo hệ số lương. Mức chi trả cụ thể do Thủ trưởng cơ quan quyết định sau khi thống nhất ý kiến với tổ chức công đoàn cơ quan.

Về vấn đề bà Nguyễn Nhàn hỏi, từ quy định nêu trên nhận thấy, dữ liệu về số biên chế công chức được giao và số lao động hợp đồng không xác định thời hạn trong cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt (L) là một trong 5 dữ liệu (Lmin x K1 x K2 x L x 12 tháng) để tính quỹ tiền lương (QTL) trả thu nhập tăng thêm một năm của cơ quan, đơn vị. Theo luật sư, số biên chế công chức được giao bao gồm cả biên chế tuyển dụng công chức, do đó người được tuyển dụng vào công chức theo biên chế được giao, đang trong thời gian tập sự cũng thuộc đối tượng chi trả thu nhâp tăng thêm.

Về mức chi trả thu nhập tăng thêm cụ thể cho từng công chức (bao gồm người được tuyển dụng vào công chức đang tập sự) và người lao động do Thủ trưởng cơ quan quyết định sau khi thống nhất ý kiến với tổ chức công đoàn cơ quan. Mức chi trả căn cứ vào hiệu quả, kết quả công việc của từng người; người nào có thành tích đóng góp để tiết kiệm chi, có hiệu suất công tác cao thì được trả thu nhập tăng thêm cao hơn.

Đối với người được tuyển dụng vào công chức trong thời gian thực hiện chế độ tập sự, thì thời gian tập sự là thời gian làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng. Thực tế cho thấy, hiệu quả, kết quả công việc, thành tích đóng góp để tiết kiệm chi, hiệu suất công tác của công chức tập sự thấp hơn so với công chức thực thụ, do vậy mức thu nhập tăng thêm sẽ thấp hơn.