Hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc xử lý vi phạm hành chính

Theo mof.gov.vn

Trước những vướng mắc của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh về xử lý vi phạm hành chính trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất, nhập khẩu… đã được Tổng cục Hải quan hướng dẫn, giải đáp…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, Công văn số 4208/TCHQ-PC ngày 26/6/2017 Tổng cục Hải quan đã giải đáp cụ thể một số nội dung vướng mắc như sau:

Thứ nhất, về thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. 

Việc xác định thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào từng hành vi vi phạm cụ thể, thời điểm phát hiện hành vi vi phạm, quy định của pháp luật về mặt nội dung, thời điểm phải chấp hành nội dung đó và thực tế việc chấp hành của tổ chức, cá nhân để xác định khi phát hiện thì hành vi vi phạm đó đã kết thúc hay đang được thực hiện. Ví dụ:

Đối với hành vi không khai hoặc khai sai: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 Luật Hải quan: Khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan có trách nhiệm khai và nộp tờ khai hải quan; Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan, người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai.

Như vậy, theo quy định này, hành vi không khai hoặc khai sai đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được kết thúc và chấm dứt vào thời điểm người khai hải quan thực hiện xong việc khai, nộp tờ khai cho cơ quan hải quan.

Đối với hành vi vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan: Ngay sau khi hết thời hạn làm thủ tục hải quan mà người khai hải quan không thực hiện làm thủ tục hải quan theo quy định thì người khai hải quan đã có hành vi vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan. Hành vi này kéo dài đến thời điểm người khai thực hiện nghĩa vụ làm thủ tục hải quan.

Do vậy, đối với hành vi vi phạm này: Nếu tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm, người khai hải quan đã thực hiện việc làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì đây là hành vi vi phạm đã kết thúc và thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là thời điểm mà người khai hải quan thực hiện việc làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Nếu tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm, người khai hải quan chưa thực hiện việc làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì đây là hành vi vi phạm đang được thực hiện và thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

Thứ hai, vi phạm hành chính nhiều lần.  

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 2, Điểm d Khoản 1 Điều 3, Điểm b Khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Công văn số 15214/BTC-TCHQ ngày 23/10/2014 của Bộ Tài chính căn cứ theo quyết định này Tổng cục Hải quan áp dụng thực hiện.

Tổng cục Hải quan ghi nhận vướng mắc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh nêu để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khi sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thứ ba, hàng nhập khẩu phải có giấy phép; tại thời điểm đăng ký tờ khai doanh nghiệp có giấy phép nhưng không khai, nộp, xuất trình giấy phép.

Căn cứ tại Điểm b Khoản 1 Điều 24 Luật Hải quan thì chưa đủ cơ sở để xử phạt Công ty về hành vi nhập khẩu hàng hóa phải có giấy phép mà không có giấy phép.

Tuy nhiên, việc Công ty có giấy phép nhập khẩu hàng hóa nhưng không nộp cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục hải quan đã vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 21 Luật Hải quan. Với hành vi này căn cứ theo quy định xử phạt tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP) để áp dụng.

Thứ tư, về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Tại thời điểm Nghị định số 127/2013/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, chế tài xử phạt đối với hành vi nhập khẩu hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép mà không có giấy phép được quy định cụ thể tại Điểm c Khoản 5 và Điểm b Khoản 7 Điều 14 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP.

Theo đó, trường hợp không áp dụng được biện pháp khắc phục hậu quả, do hàng hóa không còn thì phải nêu rõ lý do khi ban hành quyết định xử phạt.

Thứ năm, về việc lập biên bản vi phạm khi tiến hành thanh tra chuyên ngành hải quan.

Trong quá trình thực hiện thanh tra chuyên ngành, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm hành chính cần xử lý ngay thì Trưởng đoàn thanh tra căn cứ quy định tại Điểm d khoản 1 Điều 53 Luật Thanh tra; Khoản 1, 2 Điều 6, Khoản 1 Điều 18 Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Xử lý vi phạm hành chính; Khoản 1 Điều 18, khoản 1 Điều 19 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP); Khoản 1 Điều 26 Thông tư 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ lập biên bản vi phạm hành chính để làm cơ sở xử lý theo quy định…

Thứ sáu, về thẩm quyền khởi tố vụ án. Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 3 Công văn 0748/ĐTCBL-P1 ngày 26/7/2016 của Cục Điều tra Chống buôn lậu.

Thứ bảy, về xử lý vi phạm của doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu qua công tác kiểm tra sau thông quan.

Đối với trường hợp hàng hóa là nguyên liệu, vật tư gia công, sản xuất xuất khẩu thực tế tồn kho thừa so với chứng từ kế toán, sổ kế toán, hồ sơ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Trường hợp cơ quan hải quan làm rõ được nguyên nhân dẫn đến tồn kho thừa là do các hành vi vi phạm cụ thể đã được quy định chế tài xử phạt tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính như: nhập khẩu hàng hóa thừa so với khai hải quan, lập báo cáo quyết toán không đúng với thực tế sản xuất dẫn đến tăng số thuế được miễn... thì xử phạt về các hành vi vi phạm này; Trường hợp không có cơ sở xác định nguyên nhân tồn kho thừa thì không xử phạt.