Tháo gỡ vướng mắc hoàn thuế cho doanh nghiệp kinh doanh cà phê, thủy sản

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Những vướng mắc của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê, thủy sản trong việc thực hiện các quy định hoàn thuế đã được Bộ Tài chính tiếp thu và sửa đổi, bổ sung. Đây được coi là động thái kịp thời nhằm chấm dứt tình trạng các DN bị kéo dài thời gian hoàn thuế; có nguồn tiền thu mua hàng hóa khi niên vụ cà phê 2013-2014 bắt đầu.

 Tháo gỡ vướng mắc hoàn thuế cho doanh nghiệp kinh doanh cà phê, thủy sản
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang. Nguồn: internet

Kiểm tra, xác minh chứng từ tối đa 40 ngày

Ngày 12/6/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 7527/BTC-TCT hướng dẫn Cục Thuế địa phương thực hiện hoàn thuế; Trong đó, nhằm ngăn chặn tình trạng nhiều DN sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm kê khai, khấu trừ hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) để chiếm đoạn tiền thuế.

Bộ Tài chính yêu cầu các Cục Thuế tổ chức kiểm tra trước khi hoàn thuế GTGT đối với các trường hợp sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Các DN xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chỉ được hoàn thuế khi mua trực tiếp của người sản xuất hoặc chỉ qua một khâu trung gian, còn qua nhiều khâu trung gian sẽ hoãn thời gian hoàn thuế để thanh tra, kiểm tra. Dẫn tới tình trạng "ách tắc", kéo dài thời gian hoàn thuế cho DN.

Vì vậy để tháo gỡ khó khăn cho DN, ngày 15/10/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 13706/BTC-TCT hướng dẫn bổ sung sửa đổi nội dung công văn số 7527/BTC-TCT.

Cụ thể, Bộ Tài chính yêu cầu các Cục Thuế thực hiện phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT theo quy định tại Luật Quản lý Thuế, Luật Thuế GTGT để tổ chức hoàn thuế đối với các DN.

Theo đó, đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau thực hiện đúng và đầy đủ theo quy định thì với trường hợp: “Hết thời hạn theo thông báo bằng văn bản của cơ quan quản lý thuế nhưng người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế; hoặc có giải trình, bổ sung nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng”, Cục Thuế thực hiện đưa những chứng từ, hóa đơn mà cơ quan Thuế yêu cầu giải trình nhưng người nộp thuế có giải trình, bổ sung nhưng không chứng minh được số thuế khai là đúng vào diện kiểm tra, xác minh trước khi hoàn. Đối với số thuế người nộp thuế đề nghị hoàn không liên quan đến những chứng từ, hóa đơn trên, Cục Thuế thực hiện hoàn kịp thời cho người nộp thuế.

Việc kiểm tra, xác minh những chứng từ này được thực hiện trong phạm vi tối đa 40 ngày và kiểm tra, xác minh đối với người bán hàng trực tiếp cho người nộp thuế để làm căn cứ xử lý hoàn thuế. Trường hợp việc xác minh, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm của các đối tượng mua bán hàng hóa ở các khâu trước đó, thực hiện thông báo và bàn giao cho cơ quan Thuế quản lý DN có liên quan để kiểm tra, xử lý theo đúng qui định pháp luật đối với người nộp thuế vi phạm; không để ảnh hưởng đến người được hoàn thuế khi đã có điều kiện hoàn theo quy định.

Đối với lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy, hải sản đề nghị các cục Thuế chú ý những đối tượng sau: Đối với hồ sơ hoàn thuế GTGT của DN thuộc danh sách “DN xuất khẩu uy tín” năm 2012- 2013 do Bộ Công Thương công bố tại Quyết định 2390/QĐ-BCT ngày 15/4/2013 và Quyết định số 4169/QĐ-BCT ngày 24/6/2013 cơ quan Thuế thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau theo quy định. Thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với cả trường hợp DN xuất khẩu mặt hàng không phải mặt hàng được công nhận trong danh sách “DN xuất khẩu uy tín” và trường hợp Chi nhánh DN hạch toán phụ thuộc thực hiện xuất khẩu.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản đã hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 24 tháng tính đến ngày phát sinh hồ sơ hoàn thuế không bị xử phạt về gian lận thuế, trốn thuế gồm tất cả các sắc thuế theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm của cơ quan thuế khi kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, Bộ Tài chính nêu rõ: Cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế theo đúng thời hạn quy định tại Luật Quản lý thuế: Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau cơ quan thuế thực hiện giải quyết hoàn thuế chậm nhất không quá 6 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế hợp lệ; Đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau cơ quan thuế thực hiện giải quyết hoàn thuế chậm nhất không quá 40 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế hợp lệ.

Ngoài nội dung kiểm tra hoàn thuế như tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ; chứng từ, hóa đơn đầu vào; chứng từ thanh toán qua ngân hàng; hóa đơn bán hàng; chứng từ thanh toán của DN bán hàng trực tiếp cho DN xuất khẩu; cần chú ý kiểm tra các nghiệp vụ kinh tế phát sinh khác và chứng từ, sổ sách kế toán liên quan như: Mua, bán; xuất, nhập, tồn kho hàng hóa; chi phí vận chuyển, bốc xếp, chi phí kinh doanh.

Trường hợp đến hạn phải giải quyết hoàn thuế nhưng chưa có đủ kết quả trả lời xác minh của các cơ quan thuế liên quan về kê khai nộp thuế GTGT của các khâu trung gian thì cơ quan thuế hoàn thuế theo quy định cho doanh nghiệp và tổ chức kiểm tra, xác minh sau.

Trong quá trình kiểm tra, xác minh hóa đơn nếu phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm đó có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra để xử lý.

Theo Bộ Tài chính, với những trường hợp qua kiểm tra, xác minh khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật thì ra quyết định hoàn thuế đối với số thuế GTGT đầu vào đủ điều kiện hoàn thuế theo quy định của pháp luật. Đối với số thuế GTGT đầu vào liên quan đến hành vi vi phạm thì thực hiện xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp trực tiếp có hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự thực hiện chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an để tổ chức điều tra, xử lý.

Cục trưởng Cục Thuế chịu trách nhiệm về việc ra quyết định hoàn thuế GTGT. Đối với hồ sơ hoàn thuế GTGT của người nộp thuế do Chi cục trực tiếp quản lý, Cục trưởng có trách nhiệm chỉ đạo việc xác minh, kiểm tra, thanh tra hồ sơ hoàn thuế, đảm bảo đúng thời gian theo quy định tại Luật Quản lý thuế và chịu trách nhiệm ban hành quyết định hoàn thuế đúng quy định.

Đẩy mạnh công tác chống thất thu ngân sách tại khâu lưu thông

Theo Bộ Tài chính, trách nhiệm của cơ quan Thuế trong công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh, tổ chức mua nông, lâm, thủy, hải sản để bán cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất khẩu: Các Cục Thuế có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra thuế đối với toàn bộ doanh nghiệp rủi ro cao về thuế ở các khâu kinh doanh (trung gian);

Trường hợp mới thành lập (nếu không quá 24 tháng) và có doanh thu lớn gấp 5 lần vốn chủ sở hữu hoặc có doanh thu lớn (trên 30 tỷ đồng) nhưng không kê khai đầy đủ thuế GTGT hoặc kê khai khấu trừ thuế GTGT mà tỷ lệ GTGT nộp thấp hơn mức bình quân ngành hàng cùng loại trên địa bàn; hoặc DN không có cơ sở vật chất liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như kho hàng hóa; phương tiện vận tải; nguồn nhân lực; cửa hàng;...

Trong quá trình thực hiện công tác quản lý thuế, Cục Thuế cần tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương thực hiện tốt các biện pháp quản lý từ gốc và đẩy mạnh công tác chống thất thu ngân sách tại khâu lưu thông. Trong đó lưu ý các trường hợp vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ để xử lý theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 và các quy định của pháp luật có liên quan. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra phát hiện dấu hiệu vi phạm hình sự cần phối hợp cơ quan Công an để xử lý kịp thời, đúng pháp luật.

Đối với những hồ sơ đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp còn tồn đọng đến nay chưa được giải quyết, yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế tổ chức giải quyết đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định: Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn trước kiểm sau, phải thực hiện hoàn kịp thời; sau đó tổ chức kiểm tra theo qui định, trọng tâm đối với những chứng từ, hóa đơn đầu vào có rủi ro cao.

Đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn sau, phải tổ chức kiểm tra trong phạm vi không quá 40 ngày; sau 40 ngày phải thực hiện hoàn cho doanh nghiệp; trường hợp phát hiện những dấu hiệu vi phạm, phát hiện những chứng từ, hóa đơn không đủ điều kiện hoàn của doanh nghiệp trực tiếp bán hàng cho doanh nghiệp có hồ sơ đề nghị hoàn thì chỉ thực hiện chưa hoàn đối với số tiền hoàn liên quan đến những chứng từ, hóa đơn này và thông báo cho doanh nghiệp biết; đồng thời báo cáo Tổng cục Thuế và thông báo cho các Cục Thuế liên quan quản lý thuế  đối với các doanh nghiệp phát hành chứng từ, hóa đơn có dấu hiệu vi phạm để được kiểm tra, xử lý theo đúng quy định, kịp thời.

Đối với các hồ sơ qua kiểm tra, xác minh có dấu hiệu vi phạm và đã chuyển cơ quan Công an để tổ chức điều tra, xử lý, trong khi cơ quan Công an chưa có kết quả điều tra, thì chỉ xem xét giải quyết hoàn thuế đối với số thuế GTGT của các hóa đơn đầu vào không có dấu hiệu vi phạm. Cục Thuế báo cáo Tổng cục Thuế có ý kiến đối với những trường hợp chưa hoàn thuế GTGT do hóa đơn đầu vào có dấu hiệu vi phạm, chưa có kết luận của cơ quan điều tra.

Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế, các Cục Thuế tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, dữ liệu kê khai, nộp thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh nông, lâm, thủy, hải sản trên địa bàn quản lý để tạo thuận lợi trong công tác xác minh hóa đơn và tổ chức hoàn thuế GTGT.

Cục Thuế tổ chức xây dựng và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của ngành thuế danh sách những doanh nghiệp có đăng ký, có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không kê khai nộp thuế đầy đủ theo quy định; doanh nghiệp vi phạm pháp luật về chế độ hóa đơn, chứng từ; DN thuộc diện ngừng, nghỉ kinh doanh không thông báo cho cơ quan Thuế theo quy định; DN có hành vi gian lận thuế, trốn thuế.