Xử lý vướng mắc thủ tục hải quan khi sáp nhập doanh nghiệp

PV.

Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa có Công văn số 4742/BTC-TCHQ ngày 11/04/2017 trả lời vướng mắc của doanh nghiệp (DN) về việc hướng dẫn thủ tục hải quan khi sáp nhập công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, trả lời Công văn KVC/LGT-20170217 ngày 22/02/2017 của Công ty TNHH Kyocera Việt Nam về việc hướng dẫn thủ tục hải quan khi sáp nhập Công ty TNHH đầu nối điện tử Kyocera Việt Nam (là DNCX bị sáp nhập) vào Công ty TNHH Kyocera Việt Nam (là DNCX nhận sáp nhập), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) có ý kiến như sau:

Về thực hiện báo cáo quyết toán:

Căn cứ quy định tại Điều 55 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 về nghĩa vụ thuế trong trường hợp tổ chức lại DN; Điều 36 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ và khoản 2 Điều 2, Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính về báo cáo quyết toán thì Công ty TNHH đầu nối điện tử Kyocera Việt Nam thực hiện báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hóa xuất khẩu đến thời điểm có quyết định về việc DN thực hiện sáp nhập và nộp cho cơ quan hải quan chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày sáp nhập.

Về việc chuyển giao nguyên liệu, vật tư, thành phẩm, máy móc, thiết bị của DN bị sáp nhập và DN nhận sáp nhập:

Do Công ty TNHH Kyocera Việt Nam và Công ty TNHH đầu nối điện tử Kyocera Việt Nam là hai DNCX nên căn cứ theo quy định tại Điều 74 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính thì Công ty được lựa chọn làm thủ tục hải quan hoặc không làm thủ tục hải quan. Sau khi sáp nhập, pháp nhân mới (Công ty TNHH Kyocera Việt Nam) có trách nhiệm tiếp tục đưa lượng nguyên liệu, vật tư còn tồn, máy móc, thiết bị chuyển giao vào sử dụng đúng mục đích nhập khẩu ban đầu và thực hiện báo cáo quyết toán với cơ quan hải quan theo quy định.

Về thực hiện thủ tục hải quan trong thời gian chờ giấy phép kinh doanh mới:

Căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 195 Luật DN số 68/2014/QH13 thì sau khi đăng ký DN, Công ty TNHH đầu nối điện tử Kyocera Việt Nam chấm dứt tồn tại; Công ty TNHH Kyocera Việt Nam được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của Công ty TNHH đầu nối điện, tử Kyocera Việt Nam. Như vậy, trong khi chờ giấy phép kinh doanh mới thì chỉ thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa theo giấy phép của Công ty TNHH Kyocera Việt Nam.