Hướng dẫn tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi

PV.

Ngày 17/8/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 75/2018/TT-BTC quy định về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi.

Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi thuộc đối tượng ghi sổ kế toán đều phải tính hao mòn. Nguồn: internet
Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi thuộc đối tượng ghi sổ kế toán đều phải tính hao mòn. Nguồn: internet

Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi đủ tiêu chuẩn để ghi sổ kế toán là những tài sản có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, thỏa mãn đồng thời cả 2 tiêu chí: Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên và có nguyên giá từ 10 triệu đồng trở lên.

Theo Thông tư số 75/2018/TT-BTC, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi thuộc đối tượng ghi sổ kế toán đều phải tính hao mòn, trừ tài sản như: Tài sản chưa hết hao mòn nhưng bị hư hỏng không sử dụng được; Tài sản đã tính hết hao mòn nhưng vẫn còn sử dụng được; Tài sản mà cơ quan, đơn vị đang thuê sử dụng; Tài sản mà cơ quan, đơn vị đang bảo quản hộ, giữ hộ.

Việc tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi phải thực hiện theo danh mục tài sản, tỷ lệ hao mòn và theo kỳ kế toán và được thực hiện mỗi năm một lần vào tháng 12, trước khi khóa sổ kế toán. Trường hợp tài sản có thời gian tính hao mòn lớn hơn hoặc bằng 06 tháng thì tính tròn 01 năm; Trường hợp tài sản có thời gian tính hao mòn dưới 06 tháng thì không tính hao mòn.

Khi bàn giao, chia tách, sáp nhập, giải thể cơ quan, tổ chức, đơn vị thì việc tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được thực hiện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận tài sản. Khi kiểm kê, đánh giá lại tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền thì hao mòn tài sản được xác định trên cơ sở giá trị đánh giá lại sau khi kiểm kê từ năm tài chính mà cơ quan, người có thẩm quyền xác định giá trị đánh giá lại.

Thông tư số 75/2018/TT-BTC hướng dẫn, mức hao mòn hàng năm của từng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được tính theo công thức:

Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi

=

Nguyên giá của tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi

x

Tỷ lệ hao mòn (%/năm)

Hàng năm, trên cơ sở xác định số hao mòn tăng và số hao mòn giảm phát sinh trong năm, cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tính tổng số hao mòn của tất cả tài sản kết cấu hạ tầng được giao quản lý cho năm đó theo công thức:

Số hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tính đến năm (n)

=

Số hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi đã tính đến năm (n-1)

+

Số hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tăng trong năm (n)

_

Số hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giảm trong năm (n)

Đối với những tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi có thay đổi về nguyên giá thì cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được giao quản lý tài sản xác định lại các chỉ tiêu nguyên giá, giá trị còn lại, số hao mòn lũy kế của tài sản đó để ghi sổ kế toán.

Mức tính hao mòn cho năm cuối cùng thuộc thời gian sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được xác định là hiệu số giữa nguyên giá tài sản kết cấu hạ tầng và số hao mòn lũy kế đã thực hiện của tài sản kết cấu hạ tầng đó.