Sẽ có thêm các giải pháp tài chính thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển

Song Ngư

Thời gian qua, công nghiệp hỗ trợ đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và định hướng là một trong những ngành ưu tiên phát triển và được ưu đãi đầu tư. Mới đây, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tại Nghị quyết này, Chính phủ đã giao các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm hỗ trợ lĩnh vực này phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế.

Tại Việt Nam, phát triển công nghiệp hỗ trợ được xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhất để cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Với sự ra đời của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và các văn bản chính sách liên quan, hệ thống pháp luật, chính sách về công nghiệp hỗ trợ ngày càng được hoàn thiện, góp phần hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển và lớn mạnh.

Cụ thể, số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ngày càng được cải thiện rõ rệt. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phần nào đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước ngày càng tích cực sử dụng các công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia.

Ngày 06/08/2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ đề ra hàng loạt mục tiêu đảm bảo và huy động hiệu quả nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có các giải pháp liên quan đến chính sách tài chính. Trong đó, Chính phủ yêu cầu bố trí, đảm bảo và huy động nguồn lực hiệu quả để triển khai thực hiện chính sách đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển. Nâng cao vai trò và khuyến khích các địa phương đầu tư các nguồn lực để triển khai các chính sách, chương trình và hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trên cơ sở căn cứ các quy định của pháp luật và bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương đó.

Về giải pháp về tài chính, tín dụng, Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng; Nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện và đơn giản hóa các chính sách, thủ tục về thuế để tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển. Trình cấp thẩm quyền sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng trong thời gian sớm nhất theo hướng điều chỉnh cơ chế và thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo ưu tiên phát triển. Sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với sản phẩm ô tô để khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước, trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 11/6/2020. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chế xuất bán hàng và tham gia chuỗi cung ứng nội địa.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế thu kinh phí xử lý sản phẩm thải bỏ đối với các sản phẩm nhập khẩu; Chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương xây dựng cơ chế thu kinh phí xử lý sản phẩm thải bỏ đối với các sản phẩm sản xuất trong nước theo quy định của pháp luật môi trường về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách cấp bù chênh lệch lãi suất cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triên khi vay vốn đầu tư từ ngân hàng thương mại. Mức chênh lệch lãi suất được ngân sách nhà nước cấp bù tối đa là 5%/năm. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan thực hiện việc bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để triển khai gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển theo quy định của Luật Đầu tư...

Hướng dẫn các địa phương xây dựng chương trình cho vay ưu đãi các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển phù hợp quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan. Ưu tiên bố trí các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ: Tạo nguồn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển; Xây dựng các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp; Dự án hỗ trợ kỹ thuật đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực doanh nghiệp...

Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện và đơn giản hóa các chính sách, thủ tục về thuế để tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển. Trình cấp thẩm quyền sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng trong thời gian sớm nhất theo hướng điều chỉnh cơ chế và thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo ưu tiên phát triển...