Tiếp tục miễn phí, giảm giá 15 dịch vụ chứng khoán đến hết năm 2021


Nhằm tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 30/2021/TT-BTC về việc kéo dài thời gian miễn phí, giảm giá 15 loại dịch vụ chứng khoán.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Thông tư số 30/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính kéo dài hiệu lực thi hành của Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, áp dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 đến ngày 31/12/2021.

Sau ngày 31/12/2021, mức giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trước đó, Thông tư số 14/2020/TT-BTC đã điều chỉnh giảm 10% đối với 3 dịch vụ chứng khoán bao gồm: dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh; dịch vụ lưu ký chứng khoán. Giảm từ 15%-20% đối với dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh. Giảm từ 30%-50% đối với 4 dịch vụ bao gồm: dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm; dịch vụ thực hiện quyền; dịch vụ chuyển khoản chứng khoán; dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh.

Thông tư số 14/2020/TT-BTC quy định không thu - miễn hoàn toàn đối với 6 dịch vụ chứng khoán gồm: dịch vụ đăng ký niêm yết; đăng ký chứng khoán; dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống VSD; đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh; đăng ký thành viên bù trừ.

Việc tiếp tục kéo dài thời gian miễn phí, giảm giá dịch vụ chứng khoán trong bối cảnh hiện nay là hợp lý và cần thiết để hỗ trợ thị trường, góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.