Trường hợp nào hàng hoá được coi là có xuất xứ?

PV.

Từ ngày 08/03/2018, các quy định về xuất xứ hàng hóa sẽ được thực hiện theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP Chính phủ ký ban hành mới đây, quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hoá.

Chính phủ ban hành Nghị định  quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hoá. Nguồn: Internet
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hoá. Nguồn: Internet
Theo đó, Nghị định quy định rõ 2 trường hợp hàng hoá được coi là có xuất xứ.
Trường hợp 1, là hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ theo quy định.

Với trường hợp 1, Nghị định nêu rõ, hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ trong các trường hợp sau:

1- Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.

2- Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.

3- Các sản phẩm từ động vật sống nêu tại điểm 2.

4- Các sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.

5- Các khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên, không được liệt kê từ điểm 1 đến điểm 4, được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.

6- Các sản phẩm lấy từ nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ, với điều kiện nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó có quyền khai thác đối với vùng nước, đáy biển và dưới đáy biển theo luật pháp quốc tế.

7- Các sản phẩm đánh bắt và các hải sản khác đánh bắt từ vùng biển cả bằng tàu được đăng ký ở nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó và được phép treo cờ của nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.

8- Các sản phẩm được chế biến hoặc được sản xuất ngay trên tàu từ các sản phẩm nêu tại điểm 7 được đăng ký ở nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó và được phép treo cờ của nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.

9- Các vật phẩm thu được trong quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng ở nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó hiện không còn thực hiện được chức năng ban đầu, không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng làm các nguyên liệu, vật liệu thô, hoặc sử dụng vào mục đích tái chế.

10- Các hàng hoá thu được hoặc được sản xuất từ các sản phẩm nêu từ điểm 1 đến điểm 9 tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ đó.

Trường hợp 2, là hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ, nhưng đáp ứng các quy định. Nghị định quy định hàng hóa được coi là có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nếu hàng hóa đó đáp ứng tiêu chí xuất xứ thuộc Danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng do Bộ Công Thương quy định.

Tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP Chính phủ cũng quy định các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có thể áp dụng các biện pháp chống gian lận xuất xứ đối với 03 trường hợp là: 
Thứ nhất, tạm dừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong 03 tháng, kể từ lần đầu tiên thương nhân đăng tải các thông tin, dữ liệu không liên quan đến cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử.
Thứ hai, tạm dừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong 06 tháng, kể từ ngày phát hiện thương nhân sử dụng chứng từ giả hoặc kê khai gian lận khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
Thứ ba, thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp và tạm dừng cấp trong 06 tháng kể từ ngày thương nhân không hợp tác, không cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ hoặc cung cấp sai thông tin chứng minh xuất xứ hàng hóa khi cơ quan, tổ chức cáp Giấy chứng nhận tiến hành hậu kiểm.
Ngoài các biện pháp chống gian lận xuất xứ nêu trên, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận có thể áp dụng chế độ luồng đỏ trong hệ thống quản lý rủi ro đối với thương nhân và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương.