Từ 31/10, lập dự toán thu, chi đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện thế nào?

Hà Anh

Ngày 16/9/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 57/2022/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 148/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Về lập dự toán thu, Thông tư số 57/2022/TT-BTC quy định, cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, UBND cấp tỉnh thực hiện lập dự toán các khoản thu quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP đối với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý cùng với việc lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định.

Đối với thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, số dự toán thu được xác định căn cứ vào danh mục, phương án cổ phần hóa của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo công thức: Số dự toán thu bằng số lượng cổ phần bán ra, nhân với giá khởi điểm dự kiến, trừ đi dự toán chi phí cổ phần hóa, chi phí xử lý lao động dôi dư, tinh giản biên chế.

Đối với thu từ các hình thức sắp xếp chuyển đổi sở hữu khác của doanh nghiệp, số dự toán thu được xác định căn cứ vào phương án sắp xếp, chuyển đổi sở hữu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước, chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm và quyền góp vốn tại doanh nghiệp, số dự toán thu được xác định căn căn cứ vào danh mục, phương án chuyển nhượng vốn nhà nước, phương án chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm và quyền góp vốn tại doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Số dự toán thu chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp cấp 1 đang hoạt động được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Thông tư số 57/2022/TT-BTC cũng hướng dẫn việc lập dự toán chi đối với ngân sách nhà nước. Theo đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, UBND cấp tỉnh thực hiện lập dự toán các khoản chi quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP đối với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý cùng với việc lập dự toán ngân sách nhà nước theo quy định, gửi Bộ Tài chính trước ngày 20/7 hàng năm để tổng hợp trong dự toán ngân sách nhà nước, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.

Lập dự toán chi thường xuyên để chi hỗ trợ, bù đắp phần kinh phí còn thiếu và chi phí xử lý phần chênh lệch giữa số đã nộp cao hơn so với số phải nộp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP thực hiện như sau:

- Căn cứ phương án đã được phê duyệt, quyết toán của cơ quan có thẩm quyền về kinh phí xử lý lao động dôi dư, tinh giản biên chế, các khoản chi liên quan đến chuyển đổi sở hữu; thực tế số tiền đã nộp, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đề xuất số tiền ngân sách nhà nước chi hỗ trợ, xử lý chênh lệch cho các nội dung, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, UBND cấp tỉnh để rà soát, thẩm định và tổng hợp vào dự toán chi thường xuyên các hoạt động kinh tế của cơ quan, địa phương theo phân cấp.

- Căn cứ số lượng, quy mô của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý và thời hạn gửi dự toán quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này, cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, UBND cấp tỉnh quy định thời gian doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và gửi báo cáo cho phù hợp.

Việc lập dự toán chi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP và được tổng hợp vào dự toán chi ngân sách đầu tư phát triển theo phân cấp.

Riêng đối với các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, dự toán chi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp được bố trí trực tiếp cho các doanh nghiệp này.

Ngoài các nội dung trên, Thông tư số 57/2022/TT-BTC quy định chi tiết các nội dung về đối tượng khai, nộp và cơ quan thực hiện thu; Thời hạn khai, nộp vào ngân sách nhà nước và mẫu tờ khai, chi ngân sách nhà nước; Xử lý các khoản phải thu về Quỹ phát sinh trước thời điểm Nghị định số 148/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành; Xử lý lãi chậm nộp về Quỹ phát sinh trước thời điểm Nghị định số 148/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành...

Thông tư số 57/2022/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 31/10/2022.

Đối tượng áp dụng của Thông tư gồm: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện chủ sở hữu; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của Tổng công ty nhà nước; Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước là các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên; Đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần theo quy định của Chính phủ...