Vấn đề chi ngân sách nhà nước cho phát triển nông nghiệp tại tỉnh Nghệ An

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 7/2020

Chi ngân sách nhà nước là công cụ tài chính chủ đạo để duy trì các hoạt động thường xuyên của Nhà nước và thực hiện chức năng quản lý vĩ mô nền kinh tế, trong đó có mục tiêu phát triển nông nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Những năm qua, mặc dù chi ngân sách đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp tại Nghệ An nhưng cũng còn một số vấn đề tồn tại đặt ra. Để phát huy hơn nữa vai trò chi ngân sách nhà nước, khắc phục những tồn tại, cần có nhiều giải pháp triển khai trong thời gian tới.

Đặt vấn đề

Ở hầu hết các quốc gia đang phát triển, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm và coi đây là một trong những trụ cột để phát triển đất nước. Nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích nông nghiệp phát triển đã được triển khai thực hiện, trong đó chi ngân sách nhà nước (NSNN) giữ vai trò chủ đạo. Thông qua các quyết định về quy mô, cơ cấu chi tiêu, chi NSNN sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến phân bổ nguồn lực tài chính của các chủ thể theo những mục tiêu kinh tế nhất định.

Nghệ An là tỉnh có địa bàn kinh tế rộng, với nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển nông nghiệp. Việc phát triển nông nghiệp tại địa phương hiện nay gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân xuất phát từ tiềm lực vốn thấp, hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ; sản xuất nông nghiệp chủ yếu là quy mô nhỏ; ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết sản xuất chuỗi còn hạn chế… Vì vậy, chi NSNN có vai trò quan trọng trong hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động sản xuất của người dân được diễn ra thuận lợi và hiệu quả, từ đó khuyến khích đầu tư phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thực trạng chi ngân sách nhà nước cho phát triển nông nghiệp tại Nghệ An

Chi ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển nông nghiệp

Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp của Đảng và Nhà nước, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3396/QĐ-UBND ngày 6/8/2015 về quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định nêu rõ vai trò của cơ sở hạ tầng đối với sản xuất nông nghiệp. Căn cứ vào yêu cầu phát triển và khả năng cân đối NSNN, Nghệ An đã thực hiện hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng đối với kết cấu hạ tầng kỹ thuật không có khả năng hoàn vốn trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Vấn đề chi ngân sách nhà nước cho phát triển nông nghiệp tại tỉnh Nghệ An   - Ảnh 1

Trong giai đoạn 2014–2019, chi ngân sách sử dụng cho hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp với tổng kinh phí là 2.669.734 triệu đồng. Nhiều cơ sở hạ tầng đã được nâng cấp, đồng bộ hóa như hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ canh tác; hạ tầng kỹ thuật trạm trại và hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản, bao gồm đê bao, kênh cấp và thoát nước, cống và trạm bơm lớn; hệ thống giao thông nội đồng tạo sự gắn kết, tăng khả năng lưu thông giữa các vùng chuyên canh, các vùng sản xuất hàng hóa, nguyên liệu với cơ sở chế biến; Xây dựng nâng cấp mạng lưới điện hạ thế và hỗ trợ xây dựng hệ thống giao thông vào vùng nguyên liệu, hạ tầng vùng chăn nuôi tập trung... Nhờ đó, kết cấu hạ tầng nông nghiệp đã dần được hoàn thiện, đáp ứng được điều kiện phát triển sản xuất để tạo động lực khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Chi ngân sách cho đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp

Thực hiện Đề án “đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đã được tỉnh Nghệ An hết sức quan tâm. Trong 6 năm qua Nghệ An đã đào tạo được 6 nghề nông nghiệp cho 23.457 lao động nông thôn trình độ sơ cấp nghề với tổng kinh phí hỗ trợ đào tạo là 44.882 triệu đồng, chiếm 43,36 % tổng chi NSNN.

Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề từng bước có chuyển biến tích cực với khoảng 78,26% lao động tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp. Sau các khóa học, hầu hết người dân được đào tạo đã vận dụng kiến thức vào sản xuất đạt hiệu quả nhất định. Nhiều nông dân đã đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại với quy mô lớn, trong đó nổi bật là vùng sản xuất nấm tại Yên Thành, Diễn Châu, sản xuất cam tại Con Cuông Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn.

Chi ngân sách cho nghiên cứu ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp

Cùng với nguồn nhân lực, khoa học công nghệ (KHCN) đã dần trở thành yếu tố then chốt giúp ngành Nông nghiệp tăng năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản, quyết định về chi NSNN hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp. Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp đã mang lại nhiều kết quả khả quan.

Từ 2014 đến nay, toàn Tỉnh đã triển khai thực hiện được 211 đề tài, dự án KHCN trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có 74 đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp chiếm 35% với tổng chi NSNN là 39.030 triệu đồng. Các đề tài chủ yếu tập trung phát triển một số cây, con chủ lực theo nhiều hướng tác động khác nhau như nhân giống và nuôi thương phẩm một số loại thủy sản nước ngọt và nước lợ; sử dụng tiến bộ giống và biện pháp canh tác trong sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày; nhân giống sạch bệnh, phân bón, sản xuất thương phẩm và bảo quản sản phẩm; áp dụng các tiêu chuẩn quản lý an toàn trong cây rau, cây chè, cây cam... Các nghiên cứu đều được ứng dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Nhờ vậy, trong những năm gần đây, năng suất cây trồng, vật nuôi không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, Tỉnh còn chú trọng trọng hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thật vào sản xuất nông nghiệp. Việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được thực hiện thông qua công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người dân học hỏi. Đây cũng là con đường ngắn nhất đưa kết quả nghiên cứu từ cơ sở đến đồng ruộng. Đến nay, đã có nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của Tỉnh.

Tổng kinh phí NSNN đầu tư cho xây dựng các mô hình và tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất đạt 32.822 triệu đồng, trong đó đầu tư xây dựng mô hình là 19.307 triệu đồng, kinh phí tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật là 13.151 triệu đồng. Trong 6 năm qua, Trung tâm khuyến nông của Tỉnh với chức năng nhiệm vụ được giao đã triển khai xây dựng hàng trăm mô hình sản xuất tiên tiến.

Mặc dù đã có những kết quả khả quan trong sản xuất nông nghiệp nhưng để nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng sản phẩm, việc hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp cần tiếp tục được chú trọng.

Chi ngân sách cho phát triển thị trường tiêu thụ nông sản

Những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường tiêu thụ nông sản của địa phương. Điều này thể hiện thông qua các nội dung trong Quyết định số 72/2015/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng và phát triển thương hiệu giai đoạn 2016 - 2020, Quyết định số 6234/QĐ-UBND về phê duyệt đề án xúc tiến thương mại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2020. Theo đó, Nghệ An đã chú trọng quan tâm tới hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại được tổ chức tương đối đa dạng với nhiều hình thức khác nhau, trong đó chi NSNN cho việc tổ chức hội chợ và hỗ trợ tiêu thụ nông sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 43,3% tổng chi NSNN cho xúc tiến thương mại. Trong 6 năm qua, Tỉnh đã tăng cường, linh hoạt trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức được 06 cuộc hội chợ trong Tỉnh; tham gia 26 hội chợ trong và ngoài nước; tổ chức 3 hội nghị kết nối cung, cầu tại tỉnh Nghệ An...

Ngoài ra, Nghệ An đã thực hiện hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý và dán tem truy xuất nguồn gốc nhiều loại nông sản trên địa bàn. Đến nay, đã xây dựng đăng ký bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý một số mặt hàng nông sản chủ lực như Cam Vinh, Chè Nghệ An... tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Nghệ An trên thị trường. Tuy nhiên, tỷ trọng nguồn kinh phí vẫn còn thấp, chỉ chiếm 12% tổng chi NSNN cho xúc tiến thương mại. Số lượng các mặt hàng nông sản của tỉnh Nghệ An có được thương hiệu riêng cũng chưa nhiều. Vì vậy, trong thời gian tới, Tỉnh cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu riêng cho nông sản, nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ổn định, bền vững.

Vấn đề tồn tại cần giải quyết

Chi NSNN cho phát triển nông nghiệp tỉnh Nghệ An đã mang lại những kết quả nhất định, nhưng còn tồn tại một số vấn đề như:

Thứ nhất, chi NSNN đối với hoạt động, đào tạo nghề và chuyển giao kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp chưa tác động sâu rộng tới toàn bộ người nông dân. Hiệu quả chi NSNN tác động không đồng đều lên người sản xuất nông nghiệp, do trình độ nhận thức, khả năng triển khai thực hiện chưa tương đồng.

Thứ hai, chi NSNN cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn thiếu tính cân đối, chi cho đầu tư xây dựng hệ thống công trình thủy lợi đang chiếm tỷ trọng lớn. Trong khi đó, hệ thống giao thông kết nối các vùng sản xuất chưa được đầu tư một cách đồng bộ.

Thứ ba, hỗ trợ chi phí xây dựng chỉ dẫn địa lý và dán tem truy xuất nguồn gốc. Nhiều loại nông sản trên địa bàn chưa được sự quan tâm đúng mức, trong khi đó, đây chính là điều kiện cần thiết để khẳng định vị thế, chất lượng nông sản địa phương với các tỉnh, thành trong cả nước và thị trường quốc tế.

Như vậy, tác động chi NSNN đến phát triển nông nghiệp được thực hiện gián tiếp thông qua chi NSNN cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chi cho đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, chi nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chi NSNN cho phát triển thị trường tiêu thụ nông sản ổn định đầu ra cho lĩnh vực nông nghiệp. Muốn phát huy được hiệu quả chi NSNN trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp địa phương đòi hỏi Nghệ An cần có những chính sách chi hợp lý và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, Báo cáo tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2014-2019, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn tỉnh Nghệ An;
2. Báo cáo kết quả thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nghệ An;
3. Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An (2018), “Báo cáo kết quả điều tra, khảo sát, đánh giá hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An”;
4. Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Nghệ an theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020.