Xây dựng định mức chi thường xuyên năm 2022 phù hợp với khả năng cân đối NSNN

Nhật Nam

Bộ Tài chính vừa tiếp thu, hoàn chỉnh Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022. Trong đó, nêu rõ việc xây dựng định mức chi thường xuyên NSNN năm 2022 phù hợp với khả năng cân đối NSNN năm 2022 và giai đoạn 2022-2025.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xác định phương án chi phù hợp với tiêu chí

Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 266/2016/UBTVQH14 ngày 4/10/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017 đã đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối NSNN. Ngân sách trung ương cơ bản đảm bảo nguồn lực tài chính để các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại của quốc gia và từng cấp chính quyền địa phương.

Tiêu chí, định mức chi thường xuyên lấy tiêu chí dân số là chủ yếu đã khuyến khích sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tiêu chí, định mức chi thường xuyên là rõ ràng, dễ tính toán, đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng trong phân bổ chi thường xuyên NSNN.

Việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên cũng phải đảm bảo phù hợp khả năng cân đối ngân sách và yêu cầu thực hiện cơ cấu lại chi NSNN; tăng quyền hạn và trách nhiệm, tính chủ động của các bộ, địa phương trong quản lý NSNN.

Bên cạnh đó, định mức phân bổ mới còn nhằm khuyến khích địa phương tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư, chủ động bố trí dự toán nhiệm vụ chi để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công theo yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Về nguyên tắc xây dựng hệ thống định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN, đối với các bộ, cơ quan trung ương, trong lĩnh vực chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể: Bộ Tài chính trình Chính phủ theo 2 phương án gồm:

- Phương án 1: Căn cứ yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ/TW về việc “Nghiên cứu sửa đổi quy định và thực hiện việc phân bổ ngân sách chi thường xuyên đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị”, thực hiện bỏ việc xây dựng định mức phân bổ định mức chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể của các bộ, cơ quan trung ương theo biên chế mà xây dựng dự toán chi căn cứ chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc của từng bộ, cơ quan Trung ương và các chế độ, chính sách chi ngân sách để xây dựng dự toán chi ngân sách hằng năm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt.

- Phương án 2: Cơ bản kế thừa các quy định tại Nghị quyết số 266/2016/UBTVQH14 ngày 4/10/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, có điều chỉnh tăng ở mức phù hợp để các bộ, cơ quan trung ương đảm bảo các nhiệm vụ chi theo các chế độ, tiêu chuẩn quy định. Dự toán chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể của các bộ, cơ quan trung ương gồm 3 phần: Định mức tính theo biên chế; chi tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương và chi đặc thù ngoài định mức.

Ngân sách địa phương - Lấy tiêu chí dân số là tiêu chí chính

Đối với các lĩnh vực sự nghiệp, quy định mức phân bổ căn cứ theo chủ trương tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương; các quy định của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với chi an ninh, quốc phòng, cơ bản kế thừa quy định như tại Nghị quyết số 266/2016/UBTVQH14 và Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg và có bổ sung cho phù hợp yêu cầu của giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, đối với nhiệm vụ chi quốc phòng, an ninh của ngân sách trung ương, căn cứ nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng kế hoạch 2021-2025 và chiến lược đến năm 2030 để xác định các nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ đối với con người, nhiệm vụ đặc thù của quốc phòng, an ninh và ưu tiên bố trí cân đối ngân sách trung ương hàng năm, Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định dự toán chi thường xuyên.

Đối với ngân sách địa phương, định mức tiếp tục lấy tiêu chí dân số là tiêu chí chính, có điều chỉnh phân vùng theo quy định của pháp luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung định mức các tiêu chí bổ sung đối với từng lĩnh vực chi ngân sách để phù hợp với thực tế và đảm bảo tính đặc thù đối với từng vùng, từng địa phương. Đảm bảo nhu cầu kinh phí thực hiện các chế độ chính sách do cơ quan có thẩm quyền đã ban hành đến ngày 31/5/2021 và đảm bảo tính đủ mức tiền lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng.

Định mức phân bổ ngân sách chi thường xuyên xác định tổng chi thường xuyên, trong đó chi tiết sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp khoa học và công nghệ để Quốc hội quyết định.

Các địa phương căn cứ vào tổng mức chi thường xuyên và tình hình thực tế của địa phương để xây dựng định mức phân bổ chi thường xuyên của ngân sách địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Ngoài các nội dung trên, Bộ Tài chính đề xuất nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia, chính sách an sinh xã hội.

Cụ thể, kiến nghị giai đoạn 2022-2025, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình cấp có thẩm quyền: “Từ năm ngân sách 2022, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương thông qua 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó Trung ương hỗ trợ các địa phương có khó khăn về ngân sách: 70% đối với các địa phương thuộc vùng miền núi, Tây Nguyên; 50% đối với các địa phương ngân sách trung ương còn phải hỗ trợ trên 60%; 30% đối với các địa phương đảm bảo ngân sách từ 60% trở lên; các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương, ngân sách trung ương tự đảm bảo. 

Trường hợp Trung ương ban hành các chính sách an sinh xã hội, chính sách làm tăng chi ngân sách; các địa phương cần chủ động tiết kiệm chi, tăng thu để thực hiện; trường hợp địa phương đã thực hiện các biện pháp trên mà chưa cân đối được nguồn, khi đó ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ để thực hiện.

Những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh… lớn, chủ động bố trí dự toán ngân sách địa phương (dự phòng, quỹ dự trữ tài chính…) ở mức cao hơn, để khắc phục; trường hợp vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, ngân sách trung ương sẽ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương theo nguyên tắc hỗ trợ do Thủ tướng Chính phủ quyết định”…