Đánh giá hiệu quả gói kích thích kinh tế

Theo VnEconomy

Trong phiên họp Chính phủ ngày 30/9 và 1/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo tình hình thực hiện và hiệu quả gói kích thích kinh tế trị giá khoảng 145,6 nghìn tỷ đồng, tương đương với 8 tỷ USD, sử dụng cho năm 2009.

Gói kích thích kinh tế tổng thể này bao gồm hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng khoảng 17 nghìn tỷ đồng (1 tỷ USD); vốn đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 90,8 nghìn tỷ đồng; thực hiện chính sách miễn giảm thuế khoảng 28 nghìn tỷ đồng; và các khoản chi khác nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội khoảng 9,8 nghìn tỷ đồng.

Hỗ trợ lãi suất tạo rủi ro cho kinh tế vĩ mô
    
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giải ngân tín dụng hỗ trợ lãi suất 4% cho vay vốn lưu động đến 24/9 đã đạt trên 405 nghìn tỷ đồng; tín dụng đầu tư đạt trên 34 nghìn tỷ đồng và giải ngân tín dụng bảo lãnh qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam đạt trên 10 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ lãi suất chuyển cho các tổ chức tín dụng ước thực hiện năm 2009 khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Bản báo cáo đánh giá, việc thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hộ sản xuất tiếp cận với lãi suất thấp, chỉ 4-6%/năm, giúp các đơn vị này có điều kiện hạ giá thành sản phẩm, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, đã có sự trùng lắp về đối tượng hỗ trợ lãi suất; điều kiện cho vay chặt chẽ hơn khoản vay thông thường như chỉ cho vay mua hàng hóa sản xuất trong nước, thủ tục vay phải có xác nhận của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; mức tiền vay tối đa mua vật tư nông nghiệp 7 triệu đồng/ha là quá thấp…

Tác động đến kinh tế vĩ mô, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ lãi suất cùng với chính sách nới lỏng tiền tệ làm tổng phương tiện thanh toán và tín dụng tăng ở mức cao, gây sức ép tăng lãi suất thị trường và lạm phát trong thời gian tới.

Đồng thời, do lãi suất vay VND sau hỗ trợ lãi suất khá thấp, tương đương cho vay bằng USD, nhưng lo ngại rủi ro tỷ giá, các doanh nghiệp nhập khẩu chuyển sang vay VND để mua ngoại tệ, gây sức ép tăng tỷ giá và căng thẳng thanh khoản trên thị trường ngoại hối.

Bộ này cũng phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp có vốn tự có gửi vào ngân hàng thương mại để hưởng lãi suất cao (từ 7-10%/năm), nhưng vẫn vay vốn VND để hưởng hỗ trợ lãi suất 4% năm; hoặc có hiện tượng vay vốn VND rồi chuyển sang tiền gửi để hưởng chênh lệch lãi suất; hoặc doanh nghiệp lập phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư với thời hạn trả nợ kéo dài hơn so với chu kỳ sản xuất, thời hạn hoàn vốn để hưởng hỗ trợ lãi suất.

Cơ quan lập báo cáo cho rằng, đã phát sinh tình trạng không công bằng giữa các doanh nghiệp được vay và doanh nghiệp không được vay vốn hỗ trợ lãi suất. Mặt khác, với mức hỗ trợ lãi suất tiền vay 4% là quá lớn, đối tượng thụ hưởng thuộc nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, nên kéo dài sẽ phát sinh tâm lý ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước.

Trái phiếu bổ sung giải ngân 50%

Đối với vốn đầu tư phát triển của Nhà nước, Báo cáo cho biết, tổng số vốn ngân sách nhà nước đã ứng trước kế hoạch năm 2009 được hoãn thu hồi là 3,4 nghìn tỷ đồng.

Vốn ứng trước kế hoạch 2010, 2011 cho các chương trình dự án đến ngày 30/6/2009 là 15,492 nghìn tỷ đồng; vốn ứng trước năm 2010, 2011 để bổ sung cho các dự án quan trọng cấp bách là 12,627 nghìn tỷ đồng (không kể vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo); tổng vốn ứng trước cho kiên cố hóa kênh mương, cấp bù trênh lệch lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì lao động… khoảng 37,1 nghìn tỷ đồng.

Nguồn vốn ngân sách Nhà nước kế hoạch 2008 được kéo dài giải ngân đến hết tháng 6/2009 khoảng 22,5 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện khoảng 22 nghìn tỷ đồng. Vốn trái phiếu Chính phủ chuyển nguồn sang năm 2009 khoảng 7,2 nghìn tỷ đồng. Giải ngân đến hết tháng 8/2009 ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng.

Riêng 20 nghìn tỷ đồng phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ, ước đến hết tháng 9/2009 giải ngân được khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Không ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách

Về thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế thuế, đến 31/8 đã có trên 125 nghìn lượt doanh nghiệp và 937 nghìn đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về thuế.

Tổng thu ngân sách được miễn, giảm, giãn đến hết 7/2009 khoảng 14,7 nghìn tỷ đồng, ước cả năm khoảng 20 nghìn tỷ đồng, trong đó giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 9,9 nghìn tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng khoảng 4,47 nghìn tỷ đồng; miễn thuế thu nhập cá nhân khoảng 4,507 nghìn tỷ đồng; giảm thu lệ phí trước bạ khoảng 1,14 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, giảm, giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2009 khoảng 7 nghìn tỷ đồng, trong đó giảm thu do giảm thuế 50% tại khâu nhập khẩu ước khoảng 5 nghìn tỷ đồng; giãn nộp thuế 180 ngày cho máy móc thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng ước khoảng 2 nghìn tỷ đồng.

“Tuy nhiên, do thuế giá trị gia tăng có tính chất liên hoàn nên việc giảm, giãn thuế này ảnh hưởng không lớn đến số thu ngân sách Nhà nước”, báo cáo cho biết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, việc thực hiện các ưu đãi về thuế là khẩn trương, đúng đối tượng, góp phần giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, tạo chuyển biến tích cực cho nền kinh tế.

Ngoài các khoản kể trên, Chính phủ đã cho phép mua dự trữ quốc gia về gạo trị giá 1,3 nghìn tỷ đồng, xăng dầu trị giá 1,5 nghìn tỷ đồng; ứng chi hỗ trợ hộ nghèo ăn Tết Kỷ Sửu 2009, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, hỗ trợ thay thế xe công nông, xe ba bánh, khắc phục thiên tai.. tổng cộng khoảng 7 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở thông tin cập nhật đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy mô gói kích thích kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội khoảng 122 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,9 tỷ USD. Ước thực hiện trong năm 2009 đã sử dụng hết khoảng 100,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,7 tỷ USD. Số còn lại sẽ được sử dụng trong năm 2010 và 2011.

Hỗ trợ lãi suất làm tiếp

Đối với chính sách hỗ trợ lãi suất với các khoản vay trung và dài hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tiếp tục thực hiện, nhưng với hỗ trợ vay vốn lưu động ngắn hạn thì Bộ này đề nghị tiếp tục xem xét tình hình tăng trưởng tín dụng và chỉ số giá các tháng còn lại của năm, trước khi cân nhắc triển khai.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị chưa thu hồi các khoản vốn ứng trong năm 2009 của các bộ, ngành, địa phương. Trước mắt cho sử dụng khoản vượt thu năm 2008, 2009 và bội chi tăng thêm năm 2009 để thanh toán các khoản tạm ứng.

Đối với số vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ bổ sung (20 nghìn tỷ đồng) chưa thể giải ngân hết trong năm 2009, Bộ đề nghị cho thực hiện tiếp đến hết tháng 6/2010.

Về chính sách thuế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng không nên tiếp tục áp dụng các chính sách miễn, giảm thuế như trong năm 2009, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và lệ phí. Nhưng Bộ này kiến nghị cho phép giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 tháng đối với doanh nghiệp dệt may, da, giày; tiếp tục hoàn thuế, giãn thuế nhập khẩu như năm 2009.