Đến năm 2020: Phấn đấu thị phần hàng Việt lên 80%
(Tài chính) Theo Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, thị phần hàng Việt Nam sẽ phấn đấu để có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80%.
Nỗ lực đưa hàng hóa Việt đến tay người tiêu dùng Việt Nam đang là chủ trương đúng đắn và xuyên suốt không chỉ của doanh nghiệp mà của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, dù đã có nhiều cố gắng, song, hàng Việt vẫn chưa tạo được hiệu ứng mạnh với người tiêu dùng.
Vì vậy, để hàng Việt có thể chiếm lĩnh thành công thị trường nội địa, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 634/QĐ-TTg, ngày 29/4/2014 phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020.
Mục tiêu tổng quát của Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong giai đoạn 2014 - 2020 nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường, đồng thời lồng ghép vào Chương trình hành động của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị hưởng ứng Cuộc vận động nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc.
Với tổng kinh phí thực hiện khoảng 228,93 tỷ đồng, Đề án nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đến năm 2020, trên 70% biết đến nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông có chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam”.
Phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai trên địa bàn chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương đều tổ chức dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam...
Để đạt được mục tiêu, đề án đưa ra 4 nhóm giải pháp: (1) Giúp thay đổi về nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt Nam; (2) Hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; (3) Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt Nam; (4) Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.