Di tích Ban Kinh tài Trung ương cục miền Nam tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh
Lịch sử xây dựng và trưởng thành của ngành Tài chính, không thể không nhắc đến sự ra đời và những đóng góp to lớn của Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam. Gần 24 năm trên mặt trận kinh tế - tài chính (tháng 10/1961 - tháng 4/1975), cán bộ, nhân viên Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc…

Nằm ở phía bắc tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Việt Nam - Campuchia, cách thị xã Tây Ninh khoảng 60km, di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là nơi ghi dấu các chứng tích về một thời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng ta cùng bao cán bộ, chiến sỹ, trong đó có những cán bộ tài chính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên địa bàn miền Nam. Với những giá trị đặc biệt của di tích, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 548/QĐ-TTG quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là Di tích quốc gia hạng đặc biệt.
Trở lại bối cảnh miền Nam cách đây hơn nửa thế kỷ, trước bối cảnh giặc Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào miền Nam Việt Nam với các kế hoạch leo thang chiến tranh, biến miền Nam Việt Nam thành chiến trường lớn với đội ngũ cố vấn và lực lượng tay sai khổng lồ, ngày 23/1/1961, tại Hội nghị lần thứ III, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam để thay thế cho Xứ ủy Nam Bộ với chức năng, nhiệm vụ được xác định là cơ quan đại diện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam.
Tháng 10/1961, tại căn cứ Mã Đà (Đồng Nai), Trung ương Cục miền Nam đã họp và quyết định chuyển lực lượng về Tân Biên (Tây Ninh) xây dựng căn cứ. Đây là địa điểm có nhiều thuận lợi để đặt căn cứ cách mạng vì là vùng rừng nguyên sinh nhưng địa hình bằng phẳng, nằm trên đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, chỉ cách Sài Gòn khoảng 160 km.
Thực tế cho thấy, vùng núi rừng Tây Ninh có vị trí đặc biệt quan trọng. Ở đây, cuộc sống trong rừng núi dù khó khăn, gian khổ nhưng khí hậu và thời tiết ít khắc nghiệt hơn ở khu Đông Bắc (Khu A). Trung ương Cục đóng ở Bắc Tây Ninh không những giải quyết được vấn đề lương thực, thực phẩm… mà còn thuận lợi cho việc lãnh đạo đấu tranh chính trị và quân sự do vị trí khá gần Sài Gòn.
Do vậy, các cơ quan Trung ương Cục lần lượt chuyển về căn cứ mới, đóng thành từng cụm ở các điểm dân cư trước đây nhưng ở thời điểm đó không còn dân cư ở như: Lò Gò, Tà Nốt, Đồng Pan, Xa Mát, Kà Tum, Bổ Túc, Rùm Đuôn, Chàng Riệc… Đến tháng 2/1962, tất cả các cơ quan Trung ương Cục miền Nam, trong đó có Ban Kinh tài đều di chuyển về khu căn cứ Bắc Tây Ninh.

Sau hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Cục (tháng 10/1961), Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam được hình thành trên cơ sở biên chế của Ban Kinh tài Xứ uỷ Nam Bộ. Bộ máy của Ban Kinh tài được thành lập mới do đồng chí Võ Chí Công - Phó Bí thư Trung ương Cục kiêm Trưởng ban. Trong giai đoạn 1961-1975, Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam vừa làm nhiệm vụ vận động sức đóng góp tài chính trong nhân dân, vừa nghiên cứu đường lối và biện pháp đảm bảo cung cấp, vận chuyển tiền mặt về các khu căn cứ và chống chính sách bao vây, lũng đoạn kinh tế của địch.
Đồng thời, xây dựng các chính sách, biện pháp cụ thể để hướng dẫn địa phương thi hành, chỉ đạo nghiệp vụ cho các ngành bên dưới, các đơn vị trực thuộc; xây dựng tổ chức ngành và hướng dẫn giúp đỡ các địa phương làm công tác kinh tài, tuyên truyền về kinh tế, tài chính. Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề đó, Ban đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, bộ máy hoạt động dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phạm Văn Xô - Trưởng ban và đồng chí Nguyễn Văn Phi - Phó ban.
Từ khi Ban Kinh tài Trung ương Cục được thành lập, công tác kinh tế - tài chính được điều hành một cách thông suốt và theo chủ trương đường lối thống nhất. Cán bộ kinh tài cùng các đoàn thể giải phóng đã vận động quần chúng nhân dân ủng hộ lương thực, tài chính cho cách mạng; Tiếp nhận các nguồn viện trợ từ miền Bắc, kiều bào ở nước ngoài và viện trợ của các nước bạn gửi vào; Tổ chức đời sống vật chất cho toàn thể cán bộ nhân dân trong vùng giải phóng; Cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang trong các chiến dịch lớn để đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng... Ban Kinh tài đã đảm bảo tài chính, hàng hóa kịp thời cho cuộc đấu tranh quân sự, chính trị của các lực lượng ở chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 30/4/1975.
Ngày 31/8/1990, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã có Quyết định số 839/QĐ -VHTT công nhận Di tích Trung ương Cục miền Nam là Di tích quốc gia. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 548/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là Di tích quốc gia đặc biệt.
Trong cụm di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, di tích Nhà bia truyền thống Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam là địa điểm truyền thống ý nghĩa, là nơi tưởng nhớ, tri ân công lao của các thế hệ cán bộ tài chính nói riêng và quân dân miền Nam nói chung đã xả thân đóng góp máu xương cho hòa bình và thống nhất Tổ quốc. Ngày 17/4/2008, Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối Ban Kinh tài đã làm lễ khánh thành Nhà bia truyền thống Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam tại di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.
Cùng với di tích Nhà bia truyền thống Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam, trên địa bàn huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh còn có một địa điểm đặc biệt ý nghĩa đó là Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia huyện Tân Biên - nơi yên nghỉ của hơn 12.000 liệt sĩ, trong đó có hàng trăm liệt sỹ của Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam.
Nằm trên đồi 82 thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia huyện Tân Biên là nơi yên nghỉ của các liệt sỹ của các tỉnh, thành trong cả nước đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, trong đó có các anh hùng liệt sỹ của Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam.
Cũng như nhiều cán bộ, chiến sỹ các Ban khác thuộc Trung ương Cục miền Nam, để hoàn thành trách nhiệm được Đảng giao phó, những cán bộ, đảng viên của Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam luôn sẵn sàng có mặt trên tuyến lửa, nhiều cán bộ tài chính đã hy sinh xương máu để hoàn thành nhiệm vụ tài chính, hậu cần phục vụ cuộc kháng chiến... Thống kê cho thấy, ngoài hàng trăm cán bộ là thương binh, đã có gần 150 cán bộ của Ban Kinh tài đã anh dũng hy sinh vì cách mạng.
Lịch sử xây dựng và trưởng thành của ngành Tài chính, không thể không nói đến sự ra đời và những đóng góp quý báu, to lớn trong công cuộc giải phóng dân tộc của Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam.
Xác định được trách nhiệm và cũng là vinh dự, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát, nghiên cứu thực tế, sưu tầm các tư liệu liên quan, gặp các nhân chứng đã từng có thời gian công tác tại Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam để ghi lại những mốc son lịch sử và đã có nhiều hoạt động thiết thực như xuất bản sách, xây dựng bia lưu niệm, trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu quý tại phòng truyền thống ngành Tài chính, trao tặng và truy tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Tài chính cho các đồng chí nguyên cán bộ, nhân viên Ban Kinh tài, phối hợp tổ chức gặp mặt cán bộ Ban Kinh tài... khẳng định sự đóng góp to lớn của Ban Kinh tài trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.