“Nội địa hóa” công nghiệp xây dựng nhà máy điện hạt nhân:

Bài học kinh nghiệm và quyết sách của Việt Nam

PV.

Theo kinh nghiệm xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc và Ấn Độ, thì tỷ lệ nội địa hóa trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ vào khoảng 30 - 40%, với nguyên tắc không hạn chế doanh nghiệp tại nước sở tại tham gia. Vậy còn với Việt Nam, tỷ lệ nào là phù hợp?

Một số bài học kinh nghiệm

Khảo sát thực tiễn và kinh nghiệm của các nước đã thực hiện thành công quá trình nội địa hóa công nghệ điện hạt nhân (ĐHN) như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, cũng như các nước chưa thành công như Bulgary, Hungary, Cộng hòa Séc… giới chuyên gia đã rút ra một số bài học kinh nghiệm cụ thể sau:

Một là, có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về việc phát triển ĐHN vì mục đích hòa bình.

Hai là, biết kết hợp vốn kiến thức rộng rãi và kinh nghiệm của các quốc gia có nền công nghiệp ĐHN phát triển với việc đảm bảo nguồn nhân lực trong nước có khả năng thực hiện thành công chương trình ĐHN.

Ba là, đầu tư liên tục cho phát triển cơ sở hạ tầng ĐHN dưới sự chỉ đạo của Chính phủ.

Bốn là, chủ động xây dựng hệ thống kiểm soát an toàn hạt nhân.

Năm là, có sự phối hợp giữa chương trình ĐHN và chương trình phát triển quốc gia.

Sáu là, có chiến lược nhằm đảm bảo nguồn nhân lực và hệ thống đào tạo hạt nhân quốc gia.

Bảy là, có kế hoạch tuyên truyền về lợi ích của ĐHN và lựa chọn địa điểm cất giữ chất thải phóng xạ.

Tám là, hợp tác quốc tế tích cực và sự thận trọng với các xu hướng toàn cầu, kết hợp với việc tiếp thu ý kiến phản hồi, đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Dựa vào những bài học trên và kinh nghiệm tích lũy từ các dự án điện hạt nhân đang được Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Rosatom (Nga) triển khai tại Trung Quốc và Ấn Độ, Ông Nikolay Drozdov, Giám đốc Khối Kinh doanh quốc tế của Tập đoàn Rosatom cho biết, tỷ lệ nội địa hóa mà các nhà thầu phụ Việt Nam có thể tham gia tại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 có thể lên đến 40%, với nguyên tắc không hạn chế doanh nghiệp tại nước sở tại tham gia; trong đó, phần việc phía nhà thầu phụ Việt Nam có thể tham gia là cung cấp nguyên vật liệu xây dựng cơ bản, xây dựng công trình.

“Rosatom sẽ thẩm định năng lực và sẽ sử dụng tối đa các nhà thầu phụ tại địa phương, ưu tiên các nhà thầu Việt Nam có kinh nghiệm từng xây dựng các nhà máy thủy điện, nhiệt điện than, nhà máy chế biến hóa chất …”, ông Nikolay nói.

Cẩn trọng, từng bước tăng dần tỷ lệ nội địa hóa

Phát triển điện hạt nhân (ĐHN) vì mục đích hoà bình là chính sách nhất quán của Việt Nam. Đây là một trong những quan điểm và là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để Việt Nam xây dựng chính sách cụ thể cho việc phát triển ĐHN. Chủ trương này được thể hiện rõ tại Quyết định phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển ĐHN ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, phát triển ĐHN dựa trên công nghệ hiện đại, được kiểm chứng và theo một chương trình dài hạn để tiến đến hình thành ngành công nghiệp ĐHN Việt Nam; phải bảo đảm an toàn cho con người và môi trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ ĐHN; huy động hợp lý các nguồn lực xã hội để bảo đảm thành công của chương trình phát triển ĐHN.

Nghị quyết số 41/2009/QH12 của Quốc hội trước đó cũng đã đặt ra yêu cầu: Lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm lâu năm trong việc thiết kế, chế tạo, xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân, thuộc quốc gia có tiềm lực cao về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực này, đã thực hiện nhiều dự án nhà máy ĐHN, có khả năng thu xếp tài chính và suất đầu tư hợp lý. Có kế hoạch từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong xây dựng và chế tạo thiết bị…

Như vậy, định hướng mà Đảng và Nhà nước ta đặt ra không chỉ là quan tâm đến xây dựng ngành công nghiệp ĐHN, mà còn đặc biệt nhấn mạnh đến phát triển năng lực nội địa hóa của Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt nhà máy ĐHN. Chủ trương sẽ tăng dần tỷ lệ “nội địa hóa” cũng đã được thể hiện cụ thể tại Quyết định 906/QĐ-TTg, do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17/6/2010.

Trao đổi với giới báo chí, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Vinatom) cũng cho rằng, khả năng tỷ lệ nội địa hóa dự án nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam như nhận định của Tập đoàn Rosatom là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, “việc lựa chọn nhà thầu, công nghệ hạt nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng ngành công nghiệp ĐHN và năng lực nội địa hóa nhà máy ĐHN. Bởi vì, nếu lựa chọn loại công nghệ cũng như xác định lựa chọn và phát triển loại công nghệ đúng ngay từ đầu, sẽ rút ngắn được thời gian nội địa hóa và tự chủ công nghệ, giảm chi phí do đầu tư sai”,

nhấn mạnh vấn đề trên, giới chuyên gia cho rằng: Một trong những lợi ích đặc biệt của quá trình nội địa hóa đem lại đó là, việc đầu tư cho ngành chế tạo thiết bị, chế tạo nhiên liệu cho các nhà máy ĐHN cùng loại công nghệ - một mục tiêu mà tất cả các nước nhập khẩu công nghệ ĐHN đều hướng tới, sẽ nhanh chóng và kinh tế hơn. Còn nếu chọn lò thế hệ II cho tổ máy ĐHN đầu tiên, sau đó chọn lò thế hệ III cho các tổ máy ĐHN tiếp theo, thì quá trình chuyển giao công nghệ sẽ dài hơn vì phải tiến hành hai lần cho hai loại công nghệ và gây tổn thất rất lớn về kinh tế.

Lĩnh hội và chọn lọc kinh nghiệm đúng đắn của các nước, Việt Nam đã lựa chọn công nghệ loại lò phản ứng thế hệ thứ III cho 2 nhà máy ĐHN Ninh Thuận đầu tiên. Chính phủ cũng đã giao Viện Nghiên cứu Cơ khí phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thiện Đề án “Công nghiệp hóa các lò phản ứng điện hạt nhân”. Theo đó, việc nội địa hóa trong các lò phản ứng hạt nhân sẽ được thực hiện theo lộ trình, sau khi hoàn thiện, Đề án sẽ được Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đồng thời, giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư 4 tổ máy đầu tiên của Dự án ĐHN Ninh Thuận. Xem xét giao các tập đoàn kinh tế nhà nước có đủ tiềm lực và kinh nghiệm để đầu tư hoặc liên doanh đầu tư các tổ máy ĐHN tiếp theo. Lựa chọn công nghệ hiện đại, an toàn và được kiểm chứng, bảo đảm hiệu quả kinh tế, thuận lợi trong vận hành, bảo trì, sửa chữa, đào tạo nhân lực, quản lý, tiến tới nội địa hoá thiết bị.

Không chỉ chú trọng đến công nghệ, thiết bị, để từng bước nội địa hóa ngành công nghiệp xây dựng nhà máy ĐHN, Việt Nam còn đặt ra những mục tiêu cụ thể cho việc xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, để triển khai thành công chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân và vận hành an toàn nhà máy sau này.

Cụ thể: Đến năm 2020, phải “Đào tạo được nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để phục vụ quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đảm bảo khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng, quản lý nhà máy ĐHN, tiến tới từng bước nội địa hóa, tự chủ về công nghệ”. Bởi thực tiễn đã chứng minh, công nghệ và nhân lực là 2 điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa việc nội địa hóa công nghiệp xây dựng nhà máy ĐHN của bất cứ quốc gia nào.

Triển khai những mục tiêu trên, thời gian qua, Tập đoàn Điện lực - chủ đầu tư 2 nhà máy ĐHN Ninh Thuận đã nhiều lần cử cán bộ sang học tập kinh nghiệm của Nhật Bản. Việt Nam cũng đã nhiều lần mời các chuyên gia của Pháp sang Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển ĐHN. Triển lãm quốc tế ĐHN cũng đã được tổ chức với khách mời là các công ty ĐHN của Canada, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Pháp.

Nội dung được các công ty giới thiệu tại triển lãm bao gồm: Năng lực, kinh nghiệm khảo sát, đánh giá địa điểm nhà máy ĐHN; thiết kế, chế tạo, xây dựng nhà máy ĐHN; tư vấn lập dự án đầu tư; thẩm định, giám sát dự án đầu tư; lập hồ sơ mời thầu EPC; thẩm định, đánh giá hồ sơ thầu EPC; lựa chọn nhà thầu EPC; tư vấn, thẩm định báo cáo phân tích an toàn; tư vấn, giám sát xây dựng, lắp đặt, khởi động và vận hành nhà máy ĐHN; đào tạo nguồn nhân lực và đặc biệt là tập trung vào những cải tiến, đổi mới công nghệ nổi bật của các hãng chế tạo nhằm nâng cao độ an toàn và các biện pháp phòng chống sự cố cho nhà máy ĐHN.