Điện hạt nhân: Năng lượng không thể thiếu trong tương lai

Nhật Nam

(Tài chính) Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của năng lượng hạt nhân đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội và tiếp tục là nguồn năng lượng không thể thiếu trong tương lai.

Nhà thầu JAPC (Nhật Bản) đã cơ bản hoàn thành khoan thăm dò, khảo sát thực địa Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Nguồn: Internet
Nhà thầu JAPC (Nhật Bản) đã cơ bản hoàn thành khoan thăm dò, khảo sát thực địa Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Nguồn: Internet
Giải “bài toán” thiếu hụt năng lượng
Bên cạnh các nguồn năng lượng tự nhiên (năng lượng gió, năng lượng mặt trời) còn có nguồn năng lượng nhân tạo như thủy điện, nhiệt điện…

Các nguồn năng lượng mới (gió, mặt trời, địa nhiệt…) đã và đang được nghiên cứu, khai thác nhưng không ổn định, giá thành còn cao. Mặc dù được ưu tiên phát triển nhưng chỉ trong một thời gian nữa, các nguồn năng lượng này chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng sản lượng năng lượng quốc gia. Do vậy, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng.

Để giải quyết bài toán thiếu hụt năng lượng ngày càng trầm trọng tại các quốc gia, nhất là các nước phát triển trên thế giới, thì năng lượng nguyên tử đã trở thành một nguồn năng lượng quan trọng khi các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt.

Bởi vậy, điện hạt nhân đã được quan tâm phát triển và trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của ngành công nghiệp điện lực ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Điện hạt nhân đã góp phần giải quyết nhu cầu năng lượng đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo anh ninh năng lượng, thực hiện đa dạng hóa nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường.

Theo ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn và bức xạ hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, mặc dù điện hạt nhân hiện nay tập trung chủ yếu ở các nước công nghiệp tiên tiến, nhưng khi bắt đầu xây dựng và phát triển điện hạt nhân, đa số các nước này cũng ở trong điều kiện kinh tế phát triển chưa cao, có nước thu nhập GDP bình quân trên đầu người còn thấp hơn Việt Nam hiện nay.

Ở Việt Nam, hiện nay, các cơ quan có liên quan đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động phát triển nguồn điện hạt nhân với việc khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, sau sự cố phóng xạ Fukushima (Nhật Bản), mối quan tâm lớn nhất trên thế giới cũng như của Việt Nam là đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.

Theo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), trên thế giới hiện có 30 nước đang phát triển đã đề nghị IAEA giúp đỡ xây dựng và thực hiện chương trình phát triển điện hạt nhân. Việt Nam là một trong 30 nước được IAEA giúp đỡ, hỗ trợ phát triển chương trình điện hạt nhân.

Để bù đắp vào sự thiếu hụt điện hiện nay, theo các chuyên gia, nghiên cứu và sản xuất điện hạt nhân, để tăng thêm lượng điện cung cấp đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước là cần thiết và cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân từng cho biết: “Trong thời gian từ nay đến năm 2020, chúng ta cũng chưa nhìn thấy công nghệ để sản xuất điện thay thế được nguồn năng lượng cổ điển như than, dầu, khí thiên nhiên và hạt nhân. Vì thế chúng ta vẫn phải nghĩ đến phát triển nhà máy điện hạt nhân cho đến khi thế giới tìm thấy được nguồn năng lượng thay thế”.

Cần bước đi thận trọng

Tại hội thảo bàn về vai trò của điện hạt nhân tổ chức năm 2014, các chuyên gia Nhật Bản cho biết, một trong những vấn đề quan trọng nhất của phát triển điện hạt nhân là an toàn. Và phải coi trọng quản lý dự án và xây dựng nhà máy điện hạt nhân, chuẩn bị và ứng phó sự cố, quản lý bức xạ và giám sát môi trường, các đặc trưng thiết kế nhà máy điện hạt nhân và an toàn, thông tin rủi ro tới công chúng về điện hạt nhân.

Nhận thức tầm quan trọng của việc ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng và Chính phủ đã sớm quan tâm, chỉ đạo lĩnh vực này. Nghị quyết Trung ương lần 2 khoá VIII đã yêu cầu: "Chuẩn bị tiền đề khoa học cho việc sử dụng năng lượng nguyên tử sau năm 2000".

Để cụ thể hoá chủ trương này, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chiến lược, quy hoạch liên quan đến phát triển điện hạt nhân.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng Quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, trong đó nêu rõ mục tiêu từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam bảo đảm quản lý an toàn và khai thác hiệu quả các nhà máy điện hạt nhân, từng bước tăng dần tỷ lệ tham gia của các ngành công nghiệp trong nước vào việc thực hiện các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tiến đến tự chủ về thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng các nhà máy điện hạt nhân.

Theo đó, đến năm 2020 xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhân đầu tiên bao gồm hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành phát điện thương mại năm 2020, tổ máy 2 vào vận hành năm 2021. Đến năm 2030, triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo, đưa điện hạt nhân thành một trong những nguồn năng lượng chủ lực của đất nước, chiếm tỷ lệ thích hợp trong cơ cấu nguồn điện của quốc gia…/.