Kinh nghiệm truyền thông điện hạt nhân ở một số nước

Hải An

(Tài chính) Trong dư luận xã hội Việt Nam vẫn tồn tại những băn khoăn, lo lắng xung quanh những yếu tố rủi ro tiềm ẩn của điện hạt nhân. Để có được sự đồng thuận và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, theo kinh nghiệm của một số nước thì công tác thông tin, tuyên truyền của Việt Nam cần phải được tiến hành hết sức bài bản, có tính chiến lược lâu dài, hướng đến từng đối tượng công chúng cụ thể.

Một quốc gia muốn phát triển điện hạt nhân thành công, điều đầu tiên và cốt yếu nhất là cần có sự đồng thuận cao từ đông đảo người dân, giới khoa học và chính quyền các cấp. Nguồn: Internet
Một quốc gia muốn phát triển điện hạt nhân thành công, điều đầu tiên và cốt yếu nhất là cần có sự đồng thuận cao từ đông đảo người dân, giới khoa học và chính quyền các cấp. Nguồn: Internet

Phần đông các chuyên gia về điện hạt nhân đều có chung nhận định rằng một quốc gia muốn phát triển điện hạt nhân thành công, điều đầu tiên và cốt yếu nhất là cần có sự đồng thuận cao từ đông đảo người dân, giới khoa học và chính quyền các cấp... Do vậy, công tác truyền thông, vận động cộng đồng cần phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch, khoa học và có hệ thống.

Kinh nghiệm truyền thông điện hạt nhân của Nga

Kể từ khi sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (năm 1986), nước Nga đã thay đổi hoàn toàn các tiêu chuẩn và các quy định về sự an toàn của các cơ sở hạt nhân. Bên cạnh đó, từ đây, nước Nga luôn luôn quan tâm đến công tác truyền thông, quan hệ cộng đồng, đặc biệt là tại những địa điểm đặt các nhà máy điện hạt nhân.

Tại những địa điểm trên, những chuyên gia làm công tác truyền thông luôn khẳng định tính minh bạch và sự kiểm soát độc lập của ngành công nghiệp hạt nhân. Các chuyên gia của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) cho biết, để nhận được sự đồng thuận từ người dân trong việc phát triển điện hạt nhân là phải tiếp xúc với những người dân sống gần các nhà máy điện hạt nhân theo nhiều hướng khác nhau.

Các công dân trên cả nước nếu quan tâm, có thể đến tham quan các nhà máy điện hạt nhân, xem cách thức sản suất điện hạt nhân và được các chuyên gia lý giải về vấn đề an toàn, cũng như lợi ích kinh tế - xã hội mà chúng mang lại. Mọi người dân cũng có thể theo dõi chế độ đang vận hành, môi trường, bức xạ ở xung quanh khu vực nhà máy, đồng thời có sự so sánh với môi trường, bức xạ tự nhiên, không phát thải nhà kính, khí CO2 và là một nguồn năng lượng sạch.

Bên cạnh công tác truyền thông, quan hệ cộng đồng tại những địa điểm đặt các nhà máy điện hạt nhân, tại các trung tâm thông tin, truyền thông của ROSATOM ở Nga, ngoài việc in ấn, phát hành các tài liệu tuyên truyền cho mọi lứa tuổi, trình độ văn hóa khác nhau, còn có nhiệm vụ tổng hợp công khai tất cả những hoạt động của nhà máy điện hạt nhân, từ công suất phát điện, đại tu, sữa chữa, đến các cuộc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền của Nga và quốc tế...

Ngoài ra, ông Alexey Borovik, Giám đốc Trung tâm Thông tin Năng lượng Nguyên tử Rostov cho biết, một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng, đó là việc cần phải giải thích cho người dân hiểu ngành công nghiệp hạt nhân còn tạo ra một động lực kinh tế to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng lân cận của dự án điện hạt nhân được xây dựng.

Ngân sách địa phương cũng tăng lên từ tiền thuế thu được tại các nhà máy điện hạt nhân. Từ đó tạo điều kiện cho các địa phương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như: hệ thống đường, cơ sở y tế, trường học, các công trình văn hóa, thể thao... Đây chính là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ của người dân và chính quyền các địa phương về điện hạt nhân.

Với các cách thức truyền thông, vận động cộng đồng như trên, nhìn chung người dân Nga đã có cảm nhận về năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng thân thiện với con người.

Kinh nghiệm truyền thông điện hạt nhân của Cộng hòa Séc

Tính đến năm 2012, năng lượng hạt nhân tại Cộng hòa Séc chiếm khoảng 33,6% tổng sản lượng điện cả nước. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới thành công này là sự kiên trì, bền bỉ và tích cực của hoạt động thông tin tuyên truyền về điện hạt nhân tới mọi đối tượng liên quan, với từng thông điệp cụ thể.

Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông điện hạt nhân, bà Marie Dufkova – Chuyên gia, Tập đoàn Điện lực CEZ (CH Séc) cho biết không có một công thức cụ thể cho bất kỳ một quốc gia nào thực hiện nội dung thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân. Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, thậm chí giữa các địa phương trong cùng một nước lại có văn hóa khác nhau. Vì vậy, thông điệp truyền thông phải được soạn thảo sao cho phù hợp với từng đối tượng công chúng về mặt văn hóa.

Tuy nhiên, nhìn chung, khi thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân không nên sử dụng thông điệp quá dài và phải có sự đồng bộ, thống nhất nhằm lôi kéo sự ủng hộ cao của người dân.

Điện hạt nhân là lĩnh vực khá nhạy cảm và có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe con người trong trường hợp rủi ro hay gặp sự cố. Vì thế, trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân, vấn đề an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Do đó, nội dung tuyên truyền về điện hạt nhân cũng khác biệt so với các ngành khác, giúp mọi người cảm thấy cân bằng hơn, đặc biệt là giới trẻ để khơi gợi sự hứng thú đối với điện hạt nhân.

Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục điện hạt nhân tại Cộng hòa Séc, Bà Marie Dufkova cho biết, chương trình giáo dục về điện hạt nhân tại CH Séc bắt đầu từ năm 1992 với chương trình “Năng lượng cho mọi người”. Đồng thời, tại CH Séc cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tranh luận về lĩnh vực điện hạt nhân dành cho học sinh khối trung học phổ thông.

Từ năm 2000 đến nay, trên 4.500 cuộc tranh luận, thu hút sự tham gia của trên 160.000 học sinh. Các cuộc thi nhóm cho học sinh “Bạn biết gì về năng lượng” được tổ chức 2 lần 1 năm. Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực CEZ còn phối hợp với giáo viên kiểm tra kiến thức và chất lượng của các em học sinh về toán, vật lý.

Kinh nghiệm rút ra là phải giáo dục, tuyên truyền kiến thức về điện hạt nhân ở tất cả các cấp học, nhằm hỗ trợ, kích thích sự ham mê học hỏi của học sinh, quảng bá hình ảnh điện hạt nhân, từ đó thu hút nhân lực cho tương lai.