Tầm quan trọng của sự nâng cao hiểu biết về điện hạt nhân cho công chúng

PV.

Điện hạt nhân (ĐHN) là một ngành kinh tế kỹ thuật với công nghệ cao, phức tạp và nhạy cảm về mặt an toàn. Vì vậy, việc nâng cao hiểu biết và sự chấp thuận của công chúng đối với việc phát triển và ứng dụng ĐHN; nâng cao sự hiểu biết và hợp tác giữa các đối tác liên quan trong việc phát triển ĐHN… là rất quan trọng.

“Thiếu hụt nhận thức” trong công chúng còn lớn

Trong nhiều năm qua, năng lượng hạt nhân cũng đã trải qua một quá trình “thiếu hụt nhận thức”. Đại đa số công chúng đều chưa có nhận thức đầy đủ về năng lượng hạt nhân, dẫn đến sự ủng hộ không đồng đều với các chương trình hạt nhân.

Hiện quá trình phát triển ĐHN ở nhiều quốc gia đang gặp nhiều trở ngại bởi những lo âu của công chúng đối với các vấn đề về an toàn và những hậu quả tác động đến môi trường từ việc sản xuất điện bằng hình thức này. Nguyên nhân tạo nên mối lo âu của công chúng là do tiềm năng của các tai nạn lò phản ứng hạt nhân nghiêm trọng; sự liên tưởng kết hợp giữa điện hạt nhân và vũ khí hạt nhân; đặc biệt, là giải pháp xử lý chất thải phóng xạ.

Nghiên cứu xã hội học ở một số nước dã chỉ ra rằng các vấn đề chính liên quan đến hạt nhân trong suy nghĩ của công chúng, đó là:

- Nỗi sợ hãi về một tai nạn nghiêm trọng tại lò phản ứng sẽ làm cho người dân phải nhận những liều bức xạ, một lượng lớn đất đai sẽ bị nhiễm xạ từ các vật liệu phóng xạ. Điển hình như các vụ tai nạn Chernobyl, Three Mile Island và đặc biệt Fukushima giờ đây vẫn còn ám ảnh trong tâm trí người dân.

- Nỗi lo sợ rằng, các chất thải có độc tính cao và các chất thải có thời gian tồn tại từ lâu từ các nhà máy điện hạt nhân có khả năng làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường. Sự lo sợ này xuất phát từ những lo ngại cơ bản về phóng xạ cũng như sự thiếu hiểu biết về những rác thải phóng xạ là gì và hiện nó được quản lý như thế nào. Nỗi lo sợ này càng phức tạp bởi trên thực tế các chất thải được biết đến là nguy hiểm về mặt thời gian tồn tại vượt quá hầu hết sự nhận thức của con người.

- Một công nghệ phức tạp, không dễ để mà những người thông thường có thể hiểu được, cho nên đòi hỏi những chuyên gia giỏi cho quá trình vận hành của nhà máy điện hạt nhân…

Sau sự cố hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản vào tháng 3/2011, những diễn biến về thái độ của công chúng, chính sách quốc gia đối với ĐHN trên thế giới đã thể hiện sự quan tâm rất cao đến vấn đề an toàn của ĐHN. Việc lo ngại và thay đổi sự ủng hộ ĐHN tại một số quốc gia là điều dễ hiểu. Ngay ở Việt Nam trong dư luận xã hội Việt Nam vẫn tồn tại những băn khoăn, lo lắng xung quanh những yếu tố rủi ro tiềm ẩn của ĐHN, đặc biệt sau sự cố Fukushima tại Nhật Bản.

Giải pháp rút ngắn sự “thiếu hụt nhận thức”

Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển ĐHN trên thế giới đã chỉ ra rằng, một trong những thách thức lớn nhất của việc phát triển ĐHN thành công chính là sự “thiếu hụt nhận thức” và sự ủng hộ của công chúng đối với ĐHN là điều kiện cốt yếu và tiên quyết để phát triển ĐHN và ứng dụng năng lượng hạt nhân ở mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. Do vậy, khi mà công chúng biết được nhiều hơn về những lợi ích từ năng lượng hạt nhân thì sự “thiếu hụt nhận thức” này sẽ dần dần khép lại.

IAEA khuyến cáo và coi công tác thông tin tuyên truyền về ĐHN là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển điện hạt nhân một cách an toàn, hiệu quả, an ninh. Theo kết quả khảo sát mới đây của IAEA, ở Mỹ, 90% công chúng có xu hướng ủng hộ đa dạng hóa năng lượng, 63% ủng hộ sử dụng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, chỉ có 25% người dân tin vào mức độ an toàn của năng lượng hạt nhân tới môi trường, có nghĩa là các nhà máy điện hạt nhân khi vận hành sẽ không tạo ra hiệu ứng nhà kính.

Chính vì vậy, để có được sự đồng thuận và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân ở các địa phương có địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN, công tác thông tin, tuyên truyền cần phải được tiến hành hết sức bài bản, sâu rộng, có tính chiến lược lâu dài, hướng đến một cách phù hợp với từng đối tượng công chúng cụ thể.

Định hướng quy hoạch phát triển ĐHN ở Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định 906/QĐ-TTg) đã nêu rõ yêu cầu: Xây dựng chương trình thông tin đại chúng về ĐHN đồng bộ với chương trình phát triển ĐHN; đảm bảo thông tin kịp thời và minh bạch về ĐHN; duy trì sự ủng hộ của công chúng đối với tất cả các khâu của dự án ĐHN, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, triển khai và đưa vào vận hành các dự án ĐHN.

Đặc biệt, qua bài học của một số quốc gia có ĐHN phát triển như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… cho thấy, cần thiết có quá trình nghiên cứu các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị liên quan đến sự chấp nhận của công chúng đối với ĐHN. Từ đó, có chiến lược, mục tiêu, giải pháp phù hợp và hiệu quả cho hoạt động thông tin tuyên truyền nhằm đạt được sự chia sẻ, đồng thuận cao nhất cho chương trình phát triển ĐHN.