Việt Nam tham gia Hội thảo quốc tế Fukui lần thứ 5 về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân tại châu Á

PV.

(Tài chính) Khoảng 50 các nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân đã tham dự Hội thảo quốc tế Fukui lần thứ 5 về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân tại châu Á được tổ chức tại Nhật Bản trong thời gian từ ngày 3-5/02/2015. Về phía Việt Nam, TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tham dự và có bài tham luận tại sự kiện quan trọng này.

TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử phát biểu tại Hội thảo quốc tế Fukui lần thứ 5 về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân tại châu Á.
TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử phát biểu tại Hội thảo quốc tế Fukui lần thứ 5 về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân tại châu Á.

Kéo dài trong 3 ngày, Hội thảo quốc tế Fukui lần thứ 5 về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân tại châu Á đã được Chính quyền tỉnh Fukui (Nhật Bản), Trung tâm Nghiên cứu năng lượng Wakasa Wan (WERC) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) phối hợp tổ chức tại tỉnh Fukui, Nhật Bản. Bên cạnh khoảng 50 đại biểu quốc tế là chuyên gia của IAEA và các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân của Nhật Bản, gồm đại diện chính quyền tỉnh Fukui, Bộ Công Thương Nhật Bản, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản, các công ty điện lực và một số trường đại học cuả Nhật Bản), còn có đại diện của 6 quốc gia đang xem xét phát triển năng lượng hạt nhân bao gồm Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Litva và Jordan.

Hội thảo lần này tập trung thảo luận về các chính sách phát triển chương trình điện hạt nhân và chia sẻ những thách thức, triển vọng cũng như bài học kinh nghiệm cho việc thúc đẩy chương trình điện hạt nhân. Trong đó, đại diện IAEA, ông Pal Vincze, Trưởng Phòng Kỹ thuật điện hạt nhân đã trình bày về xu hướng phát triển điện hạt nhân trên thế giới với hơn 400 tổ máy điện hạt nhân hiện đang vận hành và 70 tổ máy đang được xây dựng. Ông cũng chỉ ra rằng sau tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào năm 2011, đặc biệt, ngày 11/4/2011, Cơ quan năng lượng hạt nhân Nhật Bản nâng mức khủng hoảng sự cố nhà máy điện Fukushima I lên mức 7 - mức cao nhất trong thang sự cố hạt nhân quốc tế thì vấn đề quan trọng hiện nay là phải lấy lại được niềm tin của công chúng đối với điện hạt nhân.

Tại Hội thảo, đại diện của các quốc gia đang xem xét phát triển điện hạt nhân đã trình bày các báo cáo về thách thức đối với chương trình điện hạt nhân mới. Đại diện cho Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo, TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử đã giới thiệu về tình hình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân của Việt Nam nói chung và phát triển nhân lực cho chương trình điện hạt nhân nói riêng. Hiện nay, tại Việt Nam, Dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận đang được triển khai thực hiện theo lộ trình đã được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đưa vào vận hành tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2020. Để bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử, cụ thể đối với dự án điện hạt nhân, Chính phủ Việt Nam, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ đang chuẩn bị mọi nguồn nhân lực có đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ quản lý đối với dự án. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch số 208/2014/TTLT-BTC-BGDĐT hướng dẫn một số điều của Nghị định số 124/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.