Viêt Nam tuân thủ các khuyến nghị của IAEA về phát triển điện hạt nhân

PV.

Trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống không đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, điện hạt nhân là sự lựa chọn cần thiết cho Việt Nam. Để phát triển điện hạt nhân, trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực triển khai các chuẩn bị cần thiết và thận trọng...

Kinh nghiệm từ Nga

Hiện đã có 30 quốc gia và vùng lãnh thổ có điện hạt nhân, với tổng số 437 lò phản ứng đang hoạt động và 69 lò phản ứng được đưa vào kế hoạch xây dựng.

Theo PGS. TS. Pavel A. Belousov - Thành viên thường trực Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Liên bang Nga, tại Nga, công nghệ VVER được sử dụng có hiệu quả nhằm tạo ra một lò phản ứng điện hạt nhân an toàn và hiệu quả. Lò phản ứng VVER do Nga thiết kế, tiếp tục cung cấp điện năng trên khắp thế giới, 67 tổ máy điện sử dụng lò phản ứng VVER do Nga thiết kế, đã được xây dựng từ những năm 1960 và hiện tại 57 lò phản ứng VVER đang vận hành tại 19 nhà máy điện hạt nhân trên 11 quốc gia, sự ổn định của các lò phản ứng này được chứng minh qua thời gian hoạt động lâu dài mà không xảy ra sự cố.

Mức độ an toàn cao của công nghệ lò phản ứng này, cụ thể, 2 lò phản ứng VVER -440 tại Armenia vẫn hoạt động bình thường ngay cả trận động đất Spitak 0.7g năm 1988.

Sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân Nga sử dụng lò phản ứng VVER dựa trên những bước tiến công nghệ vượt trội được thử nghiệm qua thời gian, sử dụng kết hợp hệ thống an toàn chủ động và bị động. Các lò phản ứng này, có thể chịu được động đất, sóng thần, tố lốc và tai nạn máy bay nghiêm trọng. Hiện nay, các tổ máy điện hạt nhân VVER đang được xây dựng tại Nga, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Ngoài ra, TS. A. Belousov cũng cho biết VVER mới nhất - VVER -TOI, có thể đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, cũng như các yêu cầu về hiệu suất đang ngày càng cấp thiết trong ngành công nghiệp hạt nhân. Trong đó, kinh nghiệm trong quản lý các dự án xây dựng nhà máy ĐHN mà ROSATOM có được trong 20 năm qua, được tích hợp vào trong thiết kế mới này, tối ưu hóa các thông số kỹ thuật và kinh tế và được thiết kế trong môi trường thông tin mới nhất, loại lò phản ứng này, có thời gian hoạt động là 60 năm với công suất 1,200 MW và có thể chống chịu tai nạn máy bay lên tới 400t.

Viêt Nam tuân thủ các khuyến nghị của IAEA

Theo TS. Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử (Bộ Khoa học Công nghệ) việc xây dựng cơ sở hạ tầng hạt nhân là một trong những nhiệm vụ trong tâm, trong phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân. Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân, tuân thủ theo những khuyến nghị của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), dựa theo đánh giá về cơ sở hạ tầng hạt nhân tích hợp (INIR).

Theo đó, trong năm 2016, các bộ, ngành sẽ bắt đầu thẩm định hồ sơ, phê duyệt dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, cũng như sẽ thẩm định các hồ sơ về đánh giá tác động môi trường, phê duyệt địa điểm xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam để trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công tác thẩm định hồ sơ cho các nhà máy ĐHN của Việt Nam đều thông qua sự thẩm vấn của các chuyên gia IAEA.

Tiếp đó, sang năm 2017, sẽ bước vào giai đoạn chuẩn bị hồ sơ để ký hợp đồng với các đối tác, theo dự kiến, trước mắt là với Tập đoàn Rosatom (Nga), để xây dựng và đưa vào vận hành các tổ máy ĐHN Ninh Thuận 1. Thời gian gian dự kiến hoàn thiện từ các hồ sơ, đến khởi công, xây dựng nhà máy đầu tiên sẽ vào khoảng năm 2020. Về nguồn vốn để thưc hiện, sẽ dựa vào Hiệp định tín dụng Liên Chính phủ Việt Nam – Liên bang Nga, trong đó, phần vốn mà bên Việt Nam bỏ ra sẽ dành cho các hạng mục cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực.

So với giai đoạn từ 5 đến 10 năm trước đây, kinh phí để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã tăng cao hơn rất nhiều, đo đó, các Bộ, ngành sẽ phải hợp lực để phân tích thật kỹ giá thành phát điện, đặc biệt là tổng vốn đầu tư.

Theo nghiên cứu và đánh giá qua các quốc gia đã xây dựng nhà máy điện hạt nhân, chi phí đầu tư lúc ban đầu sẽ rất lớn, nhưng sau đó chi phí nhiên liệu vận hành rất thấp, nhìn chung, thời gian hoàn vốn của một dự án ĐHN sẽ dài hay ngắn còn tùy thuộc vào nhu cầu và sự tính toán cân nhắc kỹ lưỡng của mỗi quốc gia, bởi mấu chốt của vấn đề là, thời gian một tổ máy điện hạt nhân có thời gian vận hành là 60 năm trong hệ số an toàn.

Dự kiến, thiết kế hiện nay mỗi nhà máy trong giai đoạn 1 có hai tổ máy, với công suất 1.000MW, nếu sau năm 2020, xây dựng xong được hai nhà máy, thì nước ta sẽ có 4 tổ máy điện hạt nhân đi vào vận hành, sẽ đóng góp từ 3% đến 4% trên tổng nhu cầu điện năng của cả nước.

Nếu tính đúng theo định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân quốc gia, thì điện hạt nhân sẽ đóng góp khoảng 10% tổng công suất điện quốc gia trong thời gian tới. Tuy nhiên, một trong những nỗi lo âu chính là nguồn nhân lực và kinh nghiệm thực hiện, bởi tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có kinh nghiệm xây dựng nhà máy điện hạt nhân và nguồn cán bộ vận hành nhà máy điện hạt nhân còn rất mỏng.

Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện hành lang pháp lý cũng là vấn đề hết sức quan trọng, tạo điều kiện cho điện hạt nhân phát triển theo đúng yêu cầu đặt ra. Thực tiễn Việt Nam là một quốc gia còn phải học hỏi nhiều kinh nghiệm ở các nước đang có nhà máy điện hạt nhân, do đó, để hoàn thiện một khung pháp lý và quy định vững chắc cần phải có một thời gian dài.

Đặc biệt là phải quy hoạch được một nguồn cán bộ trẻ, có đầy đủ nhiệt huyết, có năng lực kiến thức chuyên môn thật chặt chẻ, để đảm đương vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam, trong đó, một yếu tố cần thiết, là cần tăng cường khâu tuyên truyền, vận động công chúng về sự an toàn khi xây dựng điện hạt nhân.