Công tác cải cách thủ tục hành chính - hiện đại hóa Hải quan: Bước chuyển đổi mạnh mẽ

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Tổng cục trưởng Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã đề ra các giải pháp trọng tâm để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp để cải cách thủ tục hành chính theo kế hoạch đã ban hành.

Công tác cải cách thủ tục hành chính - hiện đại hóa Hải quan: Bước chuyển đổi mạnh mẽ  - Ảnh 1
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc
Phóng viên: Thưa Tổng cục trưởng, đề nghị Tổng cục trưởng cho biết kết quả bước đầu công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành Hải quan, đặc biệt là việc giảm thời gian thông quan hàng hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua? Các giải pháp trọng tâm để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong thời gian tới?

Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 05/8/2014 về tăng cường quản lý, cải cách hành chính về hải quan, thuế nội địa, Việt Nam cam kết thực hiện đơn giản hóa thủ tục hải quan, phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ phải giảm thời gian làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK qua cảng/cửa khẩu bằng mức bình quân chung của các nước ASEAN-6.

Lần đầu tiên Tổng cục Hải quan đã công bố trên phương tiện thông tin, truyền thông về kết quả đo thời gian giải phóng hàng của năm 2013 tại Hội nghị công bố kết quả vào ngày 19/09/2014; Theo đó kết quả thời gian làm thủ tục của cơ quan hải quan từ khi đăng ký tờ khai đến khi quyết định thông quan/giải phóng hàng là 37 giờ 37 phút (chiếm khoảng 28%  tổng thời gian từ khi hàng đến cảng/cửa khẩu đến khi hàng có quyết định thông quan/giải phóng hàng rời khỏi khu vực giám sát hải quan); 72 %  còn lại là thời gian tác nghiệp của các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa.

Theo tinh thần triển khai Luật Hải quan (số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, Tổng cục Hải quan đã xác định mục tiêu thời gian thông quan tối đa đối với cơ quan Hải quan cụ thể: Thời gian tiếp nhận và đăng ký tờ khai không quá 5 phút; Thời gian kiểm tra hồ sơ ít hơn 2 giờ (đối với hàng hóa thuộc diện quản lý chất lượng Nhà nước theo quy định tại 11 Luật hiện hành); Thời gian kiểm tra thực tế ít hơn 8 giờ đối với hàng hóa thuộc diện rủi ro cao phải kiểm tra thực tế hàng hóa (Luồng đỏ); Thời gian kiểm tra giám sát tại cổng cảng không quá 3 phút; đồng thời phối hợp với các Ngân hàng thương mại, Kho bạc nhà nước để thực hiện thanh toán thuế và lệ phí cơ bản bằng phương thức điện tử.

Để cụ thể hóa yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 2544/QĐ-TCHQ ngày 27/08/2014, trong đó đề ra các giải pháp trọng tâm để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp để cải cách thủ tục hành chính theo kế hoạch đã ban hành, trong đó các nhóm giải pháp trọng tâm là:

Nhóm 1:  Xây dựng thể chế chính sách và cải cách TTHC. Trong đó, tập trung vào việc rà soát, công khai, minh bạch các TTHC để giảm số lượng chứng từ trong hồ sơ; đơn giản hóa thủ tục; Triển khai cơ chế một cửa Asean và cơ chế một cửa quốc gia; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện (Từ ngày 10/7/2014 đã triển khai thực hiện VNACCS/VCIS tại tất cả các đơn vị Hải quan trên toàn quốc. Tổng cục Hải quan đang tiếp tục triển khai Dự án VNACCS/VCIS giai đoạn 2); Thí điểm xây dựng các địa điểm kiểm tra liên ngành tại một số cửa khẩu lớn; Thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả của kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK” nhằm giảm thủ tục kiểm tra, giảm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp; Đo thời gian thông quan hàng hóa XNK và công khai kết quả chỉ số thông quan. Qua đó, kiến nghị với các Bộ, cơ quan liên quan về những giải pháp giảm thời gian làm thủ tục đối với hàng hóa XNK.

Nhóm 2: Tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại. Trong đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành quy định áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hải quan, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh,... Thường xuyên xây dựng, cập nhật, đánh giá hệ thống tiêu chí quản lý rủi ro nhằm nâng cao tỷ lệ phát hiện vi phạm, giảm tỷ lệ kiểm tra.

Nhóm 3: Xây dựng lực lượng, đẩy mạnh liêm chính Hải quan: Phòng chống tham nhũng; tăng cường thực hiện nguyên tắc 3 KHÔNG đối với cán bộ công chức Hải quan.

Xin Tổng cục trưởng đánh giá thực tế từ khi ngành Hải quan bắt đầu triển khai hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS đến nay đã có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động XNK của doanh nghiệp?

Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam xây dựng Hệ thống thông quan tự động (gọi tắt là Hệ thống VNACCS/VCIS). Sau hơn 2 năm nỗ lực triển khai, từ ngày 01/4/2014, Hệ thống VNACCS/VCIS đã chính thức đi vào hoạt động. Đến nay, Hệ thống VNACCS/VCIS đã được triển khai tại tất cả các đơn vị Hải quan trong toàn quốc. Về việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS trong thời gian vừa qua, tôi có một số đánh giá sau:

Thứ nhất, việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS được thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch đặt ra, đúng với cam kết chính trị nêu tại Hiệp định và Công hàm tài trợ Dự án ký ngày 22/3/2012 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản.

Thứ hai, trong thời gian vừa qua, việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS đã diễn ra ổn định, chắc chắn, đảm bảo chất lượng, không gây xáo trộn hay làm gián đoạn quá trình làm thủ tục hải quan của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã nhanh chóng tiếp cận với hệ thống mới và việc thực hiện thông quan đã đi vào ổn định, việc thực hiện các chức năng quản lý nhà nước của cơ quan hải quan được bảo đảm, chặt chẽ và hiệu quả. Hạ tầng kỹ thuật và việc chuyển đổi từ hệ thống cũ sang hệ thống mới an toàn, ổn định.

Thứ ba, việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS không chỉ thay đổi về mặt công nghệ mà còn thay đổi về mặt quy trình thủ tục, thói quen và cách thức làm thủ tục hải quan của cả cán bộ, công chức hải quan và doanh nghiệp. Chúng ta đều biết, việc thay đổi thói quen vốn đã tồn tại nhiều năm trong một sớm, một chiều là một thách thức không nhỏ. Nhưng nhờ quá trình chuẩn bị tốt: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền và hỗ trợ trực tiếp, kịp thời, việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS đã không gây xáo trộn lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Tôi cũng rất vui mừng thông báo, kể từ ngày 01/7/2014, Tổng cục Hải quan đã tiếp nhận và tự vận hành hệ thống thông suốt, khẳng định năng lực làm chủ về kỹ thuật đối với hệ thống này.

Thứ tư, các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS thời gian qua đã được xử lý nhanh chóng, kịp thời. Ngành Hải quan đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho cán bộ, công chức hải quan và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan trên Hệ thống VNACCS/VCIS. Nhờ đó, đến nay, các vướng mắc phát sinh đã cơ bản được xử lý, củng cố lòng tin, tạo sự yên tâm, tin cậy của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

Việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Việc áp dụng Hệ thống VNACCS/VCIS rút ngắn thời gian thông quan (thời gian xử lý thông quan trung bình đối với hàng luồng xanh của Hệ thống không quá 3 giây). Hệ thống VNACCS/VCIS hỗ trợ khai tự động rất nhiều chỉ tiêu giúp doanh nghiệp hạn chế được sai sót trong quá trình nhập dữ liệu nên không phải khai đi khai lại nhiều lần. Đồng thời cả doanh nghiệp và Hải quan sẽ giảm được việc phụ thuộc vào văn bản, giấy tờ như hiện nay bởi các hệ thống văn bản đã được mã hóa, cập nhật vào hệ thống, ví dụ như biểu thuế XNK... Bên cạnh đó, Hệ thống VNACCS hướng đến mô hình một, hạn chế sử dụng hồ sơ giấy thông qua áp dụng chữ kí điện tử…Do vậy, lợi ích của doanh nghiệp ngoài được hưởng từ triển khai Hệ thống VNACCS còn được hưởng lợi ích lâu dài khi triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa.

Bên cạnh những mặt được nêu trên, việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS trong thời gian vừa qua còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại do một số lĩnh vực nghiệp vụ thực hiện chưa tốt, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan như: Khâu giám sát hàng hóa, quy trình hướng dẫn chưa thực sự lường hết các tình huống phát sinh tại khâu giám sát, cùng với việc áp dụng máy móc của cán bộ, công chức hải quan tại một số chi cục dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong việc hoàn thành thủ tục hải quan, gây ách tắc hàng hóa của doanh nghiệp tại cảng. Giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã kịp thời ban hành các công văn hướng dẫn cụ thể công tác giám sát, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật và quán triệt cán bộ, công chức toàn ngành hết lòng, hết sức phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tiến độ triển khai thực hiện Chương trình Một cửa quốc gia và Một cửa ASEAN đang được triển khai thế nào, thưa Tổng cục trưởng? Công tác phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan đang gặp thuận lợi, khó khăn gì?

Cơ chế một cửa quốc gia được triển khai thí điểm theo Quyết định 48/2011/QĐ-TTg ngày 31/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ với sự tham gia của 6 Bộ ngành chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 gồm: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải; Giai đoạn 2 mở rộng thêm đối với các Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế.

Hiện tại, các Bộ, ngành đang gấp rút triển khai các công việc liên quan với mục tiêu kết nối chính thức thí điểm Cơ chế một cửa quốc gia cho các Bộ triển khai giai đoạn 1 vào cuối năm 2014 và cho các Bộ triển khai giai đoạn 2 vào tháng 6/2015 phù hợp với tiến trình cải cách và phù hợp với cam kết triển khai cơ chế một cửa ASEAN vào năm 2015. Trong khi đó, Cơ chế một cửa ASEAN cũng đang trong giai đoạn triển khai thí điểm và dự kiến sẽ được đưa vào vận hành thí điểm trong năm 2015. Bên cạnh đó, một mặt nội dung triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đã được đưa vào Luật Hải quan năm 2014 làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai.

Quá trình triển khai cơ chế một cửa có được thuận lợi đó là sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của các cấp lãnh đạo và sự chủ động tham gia ngày càng tích cực của các Bộ, ngành nhưng bên cạnh đó vẫn có một số khó khăn như sau:

Triển khai Cơ chế một cửa là công việc mới, phức tạp, chưa có tiền lệ tại Việt Nam với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành.

Quá trình thực hiện cần triển khai đồng bộ nhiều hạng mục từ xây dựng và ban hành cơ sở pháp lý đến chuẩn bị hệ thống, hạ tầng công nghệ thông tin yêu cầu sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ, kịp thời từ các Bộ, ngành trong bối cảnh thủ tục đầu tư phức tạp, cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, ngành không đồng đều.

Tính sẵn sàng trong cải cách thủ tục hành chính để có thể ứng dụng công nghệ thông tin cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành không đồng đều.

Công tác cải cách TTHC, hiện đại hóa hải quan đã có chuyển đổi mạnh mẽ với sự ra đời của Luật Hải quan sửa đổi. Tổng cục trưởng đánh giá như thế nào về những điểm mới và ảnh hưởng của Luật Hải quan sửa đổi đến cộng đồng doanh nghiệp khi chính thức có hiệu lực vào năm 2015?

Luật Hải quan được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23/6/2014. Luật này thay thế Luật Hải quan số 29/2001/QH10 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 năm 2005.

Quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật Hải quan là đổi mới toàn diện hoạt động hải quan thông qua tạo điều kiện áp dụng quản lý hải quan hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia; góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của các DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Một trong các mục tiêu đặt ra trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Hải quan là cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hóa quản lý hải quan, nội luật hóa các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và coi đây là một trong những nhóm vấn đề lớn được sửa đổi, bổ sung sâu rộng tại Luật hải quan lần này. Để đạt được mục tiêu này, Luật Hải quan đã chuẩn hóa lại các chế độ quản lý hải quan đối với từng nhóm loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu, từ đó quy định về thủ tục hải quan phù hợp. Quy định đầy đủ nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro; quy định các cơ chế khuyến khích người khai hải quan tự giác tuân thủ pháp luật hải quan; tạo cơ sở pháp lý giúp DN chủ động xác định hiệu quả kinh doanh thông qua cơ chế xác định trước về mã số, trị giá, xuất xứ hàng hóa. Luật cũng quy định đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua các quy định về khai hải quan, hồ sơ hải quan, thời hạn cơ quan Hải quan thực hiện thủ tục hải quan.

Luật Hải quan sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/01/2015. Các quy định mới của Luật Hải quan sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chức để tiếp tục cải cách thủ tục hải quan, minh bạch thủ tục hải quan, giảm bớt giấy tờ người khai hải quan phải nộp, giảm thời gian thông quan; giúp doanh nghiệp tính toán trước hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ qua đó góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp./.