Kho bạc Nhà nước Ninh Thuận:

Phấn đấu giảm 60% nợ tạm ứng vốn đầu tư

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Mục tiêu hiện nay của Kho bạc Nhà nước Ninh Thuận là giảm 60% nợ tạm ứng vốn đầu tư từ năm 2015 trở về trước.

Bằng nhiều biện pháp KBNN Ninh Thuận đang cố gắng duy trì mức giảm 60% nợ tạm ứng vốn đầu tư của năm 2015 trở về trước.
Bằng nhiều biện pháp KBNN Ninh Thuận đang cố gắng duy trì mức giảm 60% nợ tạm ứng vốn đầu tư của năm 2015 trở về trước.

Thực hiện mục tiêu này Kho bạc Nhà nước (KBNN) Ninh Thuận đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác xử lý nợ tạm ứng các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản và đền bù giải phóng mặt bằng. Trong đó, việc xử lý các khoản tạm ứng tồn đọng từ nhiều năm trước đây đã được thực hiện kiên quyết.

Dừng giải ngân đối với các chủ dự án chậm hoàn tạm ứng

Báo cáo của KBNN Ninh Thuận cho biết, tính đến ngày 31/1/2016, tỷ lệ nợ tạm ứng vốn đầu tư đã giảm 74% tổng nợ tạm ứng từ năm 2014 trở về trước, vượt 14% so với chỉ tiêu mà đơn vị này đã đăng ký với KBNN Trung ương (giảm 60% nợ tạm ứng năm 2014 trở về trước).

Tuy nhiên, qua phân tích cho thấy, nhiều khoản nợ tạm ứng tồn đọng năm 2010 trở về trước vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Nguyên nhân được chỉ ra vẫn là ở chi phí đền bù giải phóng mặt bằng (nhiều hộ dân không đồng ý nhận tiền đền bù). Hay như theo quy định trước đây, hợp đồng xây dựng không quy định ràng buộc thỏa thuận cụ thể điều khoản thanh toán, thu hồi tạm ứng, vì vậy nhiều trường hợp thanh toán khối lượng hoàn thành nhưng lập thủ tục thu hồi tạm ứng rất thấp (chỉ 5 đến 10%). Đồng thời, không có quy định bắt buộc bảo lãnh tạm ứng nên nhà thầu thi công khối lượng chậm, không có biện pháp ràng buộc để thu hồi tạm ứng.

Bên cạnh đó có nhiều dự án chuyển đổi chủ đầu tư hoặc do chia tách, sáp nhập, thay đổi nhân sự nên công tác theo dõi nợ tạm ứng không liên tục, hồ sơ bị thất lạc….

Trong năm 2016, KBNN Ninh Thuận xác định phải luôn bám sát, đôn đốc chủ đầu tư nhanh chóng lập thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành để thu hồi vốn đã tạm ứng. Đối với các dự án thuộc địa phương quản lý (chiếm tỷ trọng 55% - 60% tổng số nợ tạm ứng vốn đầu tư trên toàn địa bàn), KBNN Ninh Thuận đã đề xuất và được UBND triển khai đồng bộ các biện pháp quyết liệt như đốc thúc, định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình hoàn ứng của các chủ đầu tư. Với các chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong công tác hoàn ứng, tạm thời dừng giải ngân vốn cho dự án…

Từ các biện pháp đã thực hiện có thể thấy nợ tạm ứng vốn đầu tư năm 2015 trở về trước tính đến cuối tháng 7/2016 đã giảm 29% so với đầu năm 2016 (đã thu hồi 76,6/263,3 tỷ đồng).

Yêu cầu chủ đầu tư báo cáo phương án hoàn tạm ứng

KBNN Ninh Thuận cho biết, với số vốn tồn đọng từ năm 2015 trở về trước còn khá lớn (186,7 tỷ đồng) nên đơn vị tiếp tục đề ra các giải pháp để thu hồi.

Theo đó, KBNN Ninh Thuận sẽ theo dõi chặt chẽ việc thực hiện báo cáo đánh giá tình hình tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư của các đơn vị. Đối với từng khoản nợ tạm ứng tồn đọng, yêu cầu phải có văn bản báo cáo đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương xử lý dứt điểm. Trên cơ sở rà soát số liệu chi tiết, KBNN Ninh Thuận tham mưu dự thảo văn bản của UBND tỉnh chỉ đạo và yêu cầu từng chủ đầu tư báo cáo giải trình và đề xuất phương án xử lý từng khoản nợ tạm ứng tồn đọng.

Bên cạnh đó, để xử lý các khoản nợ tạm ứng của các dự án bị đình hoãn, dừng thực hiện chưa có khối lượng thi công, lắp đặt thiết bị, KBNN Ninh Thuận sẽ đôn đốc chủ đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền, đồng thời lập báo cáo quyết toán các khoản mục chi phí phát sinh theo đúng quy định hiện hành gửi cơ qua tài chính đồng cấp xem xét.

Ngoài ra, KBNN Ninh Thuận sẽ thông báo tạm dừng thanh toán kinh phí đầu tư theo kế hoạch vốn được giao và kinh phí hoạt động ban quản lý dự án của các đơn vị không phối hợp xử lý tạm ứng vốn đầu tư tồn đọng.