Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc:

Chuyên môn hóa lĩnh vực kiểm toán, thanh tra, kiểm tra các công trình, dự án

Theo N.Hồng (ghi)

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng lần này phải hướng đến đảm bảo sự thông thoáng, giảm thủ tục hành chính để phục vụ cho việc xây dựng các công trình, dự án nhanh hơn song đồng thời cũng quản lý chặt, không nên thiết kế theo kiểu thắt chặt như vừa qua nhưng thực tế lại lỏng.

Chuyên môn hóa lĩnh vực kiểm toán, thanh tra, kiểm tra các công trình, dự án.
Chuyên môn hóa lĩnh vực kiểm toán, thanh tra, kiểm tra các công trình, dự án.

Bịt lỗ hổng trong quản lý xây dựng các công trình khu đô thị

Góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, Dự thảo Luật quy định 6 bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị cần phải mở rộng các bộ quản lý chuyên ngành là các bộ quản lý nhà nước về ngành của mình; cùng với đó sẽ có các cơ quan chuyên môn thẩm định về các công trình thuộc lĩnh vực đó. Bởi nếu chỉ giới hạn trong xây dựng các công trình về đường xá, nhà cửa thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu.

Chẳng hạn, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thẩm định, quản lý các công trình, dự án về khoa học, công nghệ; dự án về thông tin thì Bộ Thông tin và Truyền thông mới đủ điều kiện về kỹ thuật, chuyên gia, phương tiện để thẩm định các dự án này…

Cũng theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, tại điểm d khoản 5, Điều 5 Dự thảo Luật quy định, chủ đầu tư thứ cấp là chủ đầu tư được chủ đầu tư cấp 1 lựa chọn theo quy định pháp luật để tham gia đầu tư vào dự án đầu tư xây dựng khu đô thị- là không hợp lý. Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị, không nên đưa chủ đầu tư thứ cấp vào vì còn liên quan đến Luật Đầu tư, Luật DN và một số luật khác.

“Chủ đầu tư phải là người chịu trách nhiệm toàn diện từ khi triển khai đến khi kết thúc dự án; thậm chí sau kết thúc dự án, chủ đầu tư còn phải bảo lưu và thực hiện việc quản lý, sử dụng. Còn nếu quy định chia khúc như thế này thì sẽ rất khó phân định trách nhiệm”- Tổng Kiểm toán Nhà nước nói.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng chỉ rõ: Trong quản lý các công trình đô thị hiện nay đang có lỗ hổng về mặt quản lý.

Chẳng hạn, một chủ đầu tư khi vào làm khu đô thị, chủ đầu tư đứng ra huy động tiền của dân nhưng sau đó không nộp kịp thời tiền sử dụng đất vào NSNN mà lại lấy tiền đó đi kinh doanh hoặc đầu tư dự án khác. Nếu họ thua lỗ thì không nộp được tiền sử dụng đất cho Nhà nước, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi đó sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn thậm chí hàng vạn người dân, dẫn đến biểu tình, kiện cáo. Những hệ lụy này chúng ta không giải quyết được, cho nên cần kiểm soát dòng tiền này.

“Khi  người dân nộp tiền vào thì một điều kiện bắt buộc là chủ đầu tư phải nộp ngay tiền đó vào NSNN để đảm bảo quyền lợi của người dân, không nên khoán trắng cho chủ đầu tư. Tôi cho rằng đây là một lỗ hổng mà Dự thảo Luật cần thiết kết chặt chẽ để bịt lại. Vì vậy, tôi không đồng tình quy định về chủ đầu tư thứ cấp”- Tổng Kiểm toán Nhà nước phát biểu.

Liên quan đến vấn đề cấp phép xây dựng, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng thiết kế trong Dự thảo Luật này phức tạp hơn Luật trước. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, việc cấp phép xây dựng chỉ áp dụng với công trình ngoài nhà nước, ngoài đầu tư công còn công trình đầu tư công đã được thẩm định, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt rồi thì không cần phải cấp phép xây dựng. Luật cần quy định rõ ngoài công trình đầu tư công thì cấp phép xây dựng với những công trình nào, tránh việc các cơ quan gây khó khăn khi thực hiện.

Chỉ ra thực tế hiện nay xin thủ tục xây dựng công trình rất khó khăn, phải trình đi, trình lại mất nhiều thời gian, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị, cần phải rút ngắn và đơn giản hóa thủ tục song phải quản lý được những cái cốt lõi và quản lý phải chặt.

Cơ quan quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm thanh, kiểm tra công trình, dự án

Đề cập đến vấn đề phân công trách nhiệm về quản lý chuyên ngành, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề nghị, công trình trực thuộc chuyên ngành nào thì chuyên ngành đó chịu trách nhiệm về thanh tra, kiểm tra và chịu trách nhiệm về quản lý thuộc lĩnh vực của mình để tránh thanh tra chồng chéo nhau và chồng chéo thanh tra với kiểm toán.

Chẳng hạn, những công trình thuộc lĩnh vực giao thông thì Bộ Giao thông vận tải phải kiểm tra và phải chịu trách nhiệm thanh tra các công trình này. Trên Bộ Giao thông vận tải thì có Thanh tra Chính phủ thuộc Chính phủ và KTNN là kiểm tra từ bên ngoài vào.

Còn đối với Bộ Xây dựng cần tập trung vào kiểm tra các vấn đề về trật tự xây dựng, việc cấp giấy phép xây dựng, vấn đề quy hoạch, chất lượng công trình, định mức xây dựng , thẩm định các công trình xây dựng cơ bản thuộc lĩnh vực…

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước: Nếu Luật Xây dựng giao Bộ Xây dựng quản lý, quán xuyên toàn bộ chất lượng của tất cả các công trình thì sẽ khó kham nổi và cũng không hợp lý, dẫn đến thanh tra Bộ Xây dựng lấn sang quản lý nhà nước của các ngành khác. Cần phải đi vào chuyên môn hóa lĩnh vực thanh tra. Ngành nào chịu trách nhiệm thanh tra ngành đó thì mới đúng Luật Thanh tra. Theo đó, thanh tra nội ngành phục vụ cho thủ trưởng, Thanh tra Chính phủ phục vụ cho Chính phủ trong quản lý nhà nước, KTNN thì kiểm toán từ bên ngoài vào để phục vụ cho Quốc hội giám sát các hoạt động sử dụng tài chính công, tài sản công.

Nếu làm được như vậy sẽ tránh được sự chồng chéo giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng như nâng cao trách nhiệm của từng cơ quan- Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.