Đẩy mạnh trao đổi thông tin giúp cơ quan kiểm toán tối cao nâng tầm ảnh hưởng

Theo Phúc Khang/baokiemtoannhanuoc.vn

Tham dự Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế tăng cường phối hợp với các bên liên quan” do KTNN và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức vừa qua, đại diện cơ quan kiểm toán tối cao một số nước đều nhấn mạnh vai trò của hoạt động trao đổi thông tin với các cơ quan truyền thông đại chúng và dân chúng…

Cần tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan kiểm toán với các cơ quan truyền thông đại chúng và dân chúng…
Cần tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan kiểm toán với các cơ quan truyền thông đại chúng và dân chúng…

Chú trọng truyền thông về hoạt động kiểm toán

Đại diện đến từ Vụ Tổng hợp của KTNN Việt Nam, ông Lê Hoài Nam cho biết, những năm qua, KTNN đã rất chú trọng công tác truyền thông. Trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, KTNN đã có nhiều giải pháp phát triển mối quan hệ với công chúng và các cơ quan truyền thông như thành lập Phòng Quan hệ công chúng thuộc Văn phòng KTNN làm đầu mối triển khai các nhiệm vụ liên quan tới mối quan hệ giữa KTNN với công chúng. Cơ cấu lại các cơ quan báo chí của KTNN và vận hành trang Thông tin điện tử của KTNN (có phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh). Các kênh thông tin này đã kịp thời phản ánh các hoạt động kiểm toán, cập nhật thông tin văn bản chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước, các sự kiện, kết quả kiểm toán nổi bật… thể hiện tính minh bạch, công khai, củng cố niềm tin của người dân đối với công tác quản lý tài chính công, tài sản công thông qua hoạt động kiểm toán.

Thực hiện quy định của Luật KTNN, hằng năm, KTNN đều tổ chức họp báo công khai kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán năm; công khai kết quả một số cuộc kiểm toán có quy mô lớn, có nội dung được dư luận xã hội quan tâm trên các ấn phẩm báo chí, website của KTNN. Kết quả kiểm toán được công khai ngày càng tạo được sự tin tưởng của người dân, cử tri cả nước đối với hoạt động của KTNN. 

Cùng với đó, KTNN cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền đăng tải hàng trăm tin bài, phóng sự thông qua các kết quả kiểm toán được phát hiện góp phần quan trọng vào việc xây dựng hình ảnh, nâng cao vị thế của KTNN. Đồng thời, KTNN cũng đã ký một số văn bản hợp tác với các cơ quan báo chí, tạo kênh thông tin tuyên truyền về hoạt động, kết quả hoạt động của KTNN tới đông đảo người dân.

Chia sẻ về Chiến lược trao đổi thông tin của KTNN Latvia, ông Edgars Korcagins - Thành viên Hội đồng Kiểm toán, Vụ trưởng KTNN chuyên ngành, KTNN Latvia - nhấn mạnh, chúng tôi xác định phục vụ cho lợi ích của xã hội, sẵn sàng hỗ trợ cho những đơn vị làm việc trung thực và ngược lại, không khoan dung với những đơn vị sử dụng tiền thuế của người dân một cách không liêm chính. Do đó, công dân và các phương tiện thông tin đại chúng đều là những đối tượng để KTNN Latvia trao đổi thông tin.

Trên thực tế, KTNN Latvia thường xuyên thông tin tới giới truyền thông thông qua các thông cáo báo chí, bản tóm tắt các báo cáo kiểm toán; tổ chức các hội nghị truyền thông để thông tin về hoạt động chung của KTNN, cũng như thông tin về các cuộc kiểm toán cụ thể… “Chúng tôi sẵn sàng cho các cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, cũng như sẵn sàng xuất hiện trên sóng truyền hình” - ông Edgars Korcagins cho biết. KTNN Latvia cũng sử dụng các mạng xã hội để truyền tải thông tin, thông điệp một cách lôi cuốn, hấp dẫn công chúng.

Mục tiêu hướng tới truyền thông hiệu quả

Đại diện Tòa Thẩm kế Bồ Đào Nha cũng đưa ra đánh giá, các phương tiện truyền thông là một trong những kênh trao đổi thông tin chính với người dân. Tương tự như KTNN Latvia, với mục tiêu phổ biến thông tin về hoạt động của mình, Tòa Thẩm kế Bồ Đào Nha cũng tổ chức các buổi họp báo với mục đích công bố các báo cáo kiểm toán phù hợp và phát hành các thông cáo báo chí, đồng thời duy trì sự hiện diện quan trọng trên các mạng xã hội lớn của thế giới. Năm 2018, Tòa Thẩm kế Bồ Đào Nha cũng đã thành lập Văn phòng Truyền thông với nhiệm vụ hỗ trợ việc hệ thống hóa quy trình xây dựng báo cáo và các hoạt động khác của Tòa Thẩm kế, tiếp đó là cung cấp thông tin đến các phương tiện truyền thông. Theo đó, Văn phòng có trách nhiệm phát triển và quản lý hoạt động truyền thông của Tòa Thẩm kế, thu thập những nội dung thông tin phù hợp có thể được công bố từ các nguồn sẵn có tại Tòa Thẩm kế; tập trung toàn bộ đầu mối liên lạc với các cơ quan truyền thông, theo dõi độ bao phủ thông tin của Tòa Thẩm kế trên báo, đài.

Cũng chú trọng đến vấn đề trao đổi thông tin với các bên liên quan, bà Jennifer Brown - KTNN Vương quốc Anh (NAO) - cho biết, NAO luôn xây dựng kế hoạch truyền thông đối với từng báo cáo kiểm toán, trong đó có các nội dung: mục tiêu mong muốn đạt được; nắm bắt nhu cầu người đọc - mối quan tâm dự kiến của giới truyền thông, Nghị viện và các bên khác; chiến lược ưu tiên truyền đạt thông tin gì; thực hiện truyền thông qua các cơ quan truyền thông, các trang web, các phương tiện truyền thông đại chúng… Sau đó, bộ phận truyền thông của NAO sẽ lập báo cáo đánh giá về từng báo cáo kiểm toán sau khi phát hành, trong đó đánh giá độ bao phủ của truyền thông và đo lường sự thành công so với các mục tiêu đã xác định.

Để đảm bảo kế hoạch truyền thông được thực hiện hiệu quả, bà Jennifer Brown cho biết, đối với các cơ quan thông tấn báo chí, NAO sẽ thông tin cho những nhà báo là đầu mối truyền thông quan trọng về báo cáo kiểm toán sắp phát hành trước ngày phát hành chính thức. Từ thông tin phát đi này, nếu nhà báo có nhu cầu họ sẽ liên lạc với NAO để lấy thông tin, phỏng vấn trực tiếp và ghi âm trước. Tiếp đó, NAO sẽ gửi thông cáo báo chí cho các cơ quan truyền thông ngay trước khi phát hành báo cáo kiểm toán chính thức. Và cuối cùng, báo cáo kiểm toán chính thức sẽ được gửi tới các cơ quan truyền thông ngay khi phát hành (thường là gửi cơ quan truyền hình quốc gia, báo in quốc gia, cơ quan truyền thông khu vực và các cơ quan truyền thông chuyên ngành/thương mại).