Dự án nâng cấp Quốc lộ 50: Nhiều sai sót làm tăng chi phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn

Theo Kim An/baokiemtoannhanuoc.vn

Dự án thành phần 1: Đoạn qua TP. HCM và Long An từ điểm đầu Dự án đến điểm đầu Phà Mỹ Lợi (Km3+004 đến Km34+300) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp Quốc lộ 50 đoạn từ ngã tư giao giữa Dự án Cầu đường Bình Tiên với đường Nguyễn Văn Linh đến Gò Công tỉnh Tiền Giang (Km3+004 - Km7+334) (sau đây gọi tắt là Dự án nâng cấp QL50) được Đoàn kiểm toán của KTNN thực hiện kiểm toán từ tháng 3/2018 đến tháng 5/2018. Mặc dù tại thời điểm kiểm toán, Dự án chưa hoàn thành song KTNN đã chỉ ra nhiều sai sót trong quá trình thực hiện và kiến nghị phải xử lý, khắc phục.

KTNN phát hiện nhiều sai sót trong tính toán, quản lý vốn làm tăng chi phí Dự án nâng cấp QL50. Ảnh: TTXVN
KTNN phát hiện nhiều sai sót trong tính toán, quản lý vốn làm tăng chi phí Dự án nâng cấp QL50. Ảnh: TTXVN

Dự án phù hợp quy hoạch, tạo động lực phát triển kinh tế khu vực

Dự án nâng cấp QL50 có tổng chiều dài tuyến là 31,296 km được đầu tư theo Quyết định số 438/QĐ-BGTVT ngày 02/3/2007 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Tổng công ty Cửu Long là đại diện chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của Dự án (sau 1 lần điều chỉnh) là 2.457,1 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương của TP. HCM và tỉnh Long An. 

Mục tiêu của Dự án là nâng cấp QL50 đoạn qua TP. HCM và tỉnh Long An nối với tỉnh Tiền Giang qua phà Mỹ Lợi, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, tạo tiền đề và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, tăng cường củng cố an ninh quốc phòng khu vực các tỉnh phía Đông Nam TP. HCM. Theo kế hoạch, Dự án khởi công năm 2007 và hoàn thành năm 2010, nhưng thực tế Dự án được khởi công vào tháng 5/2009 và đến thời điểm kiểm toán, những hạng mục của Dự án trên địa bàn tỉnh Long An đã được bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 3/2013. Những hạng mục trên địa bàn TP. HCM bị dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đánh giá của KTNN, việc đầu tư nâng cấp QL50 được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại Văn bản số 1115/TTg-CN; phù hợp với quy hoạch phát triển ngành GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Công tác khảo sát, thiết kế cơ sở tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được phê duyệt của Dự án. Thiết kế cơ sở được lập trên cơ sở kết quả khảo sát nhiệm vụ thiết kế và phù hợp với các tiêu chuẩn áp dụng cho Dự án. Công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định. Tổng mức đầu tư của Dự án được xác định theo thiết kế cơ sở và tuân thủ các quy định hiện hành về lập và quản lý chi phí xây dựng công trình…

Sai sót trong tính toán, quản lý vốn làm tăng chi phí đầu tư

Bên cạnh những ghi nhận tích cực, kết quả kiểm toán chỉ ra không ít hạn chế, sai sót trong công tác triển khai Dự án. Cụ thể, KTNN phát hiện trong lập tổng mức đầu tư Dự án, do tính trùng chi phí dự phòng của phần khối lượng điều chỉnh thiết kế kỹ thuật đoạn qua địa phận tỉnh Long An làm tổng mức đầu tư tăng hơn 31,4 tỷ đồng.

Trong công tác khảo sát, thiết kế, tại gói thầu số 16, hồ sơ xử lý nền đất yếu, trong bảng tính toán ổn định xác định khoảng cách giữa hai giếng cát là 1,6m nhưng thuyết minh, bản vẽ thiết kế kỹ thuật xác nhận khoảng cách giữa hai giếng cát là 2m. Khi triển khai bản vẽ thi công, đơn vị thi công đã điều chỉnh khoảng cách giữa hai giếng cát là 1,6m và giá trị phê duyệt phát sinh là 252 triệu đồng. Cũng tại gói thầu này, đơn vị tư vấn đã tính thiếu khối lượng mặt đường tại vị trí nút giao, quá trình thi công phải phê duyệt phát sinh số tiền 974 triệu đồng. 

Tại gói thầu số 19, hạng mục rãnh thoát nước dọc khảo sát thiết kế bước thiết kế kỹ thuật thiết kế thiếu dẫn tới phải bổ sung phát sinh với giá trị hơn 1,1 tỷ đồng; thiết kế hệ thống an toàn giao thông thiếu hạng mục sơn phản quang, phải bổ sung phát sinh giá trị 274 triệu đồng; hạng mục gia cố mái taluy do chưa khảo sát địa hình tốt nên phải thiết kế bổ sung phát sinh giá trị 164 triệu đồng.

Trong công tác lập dự toán, Đoàn kiểm toán chỉ ra sai sót, chưa đủ cơ sở xác nhận dẫn đến sai lệch giá trị dự toán hơn 180,5 tỷ đồng (bằng 20,3% giá trị dự toán được duyệt). Nguyên nhân do áp dụng định mức hạng mục “giếng cát đường kính D400mm” không đúng quy định; dự toán tính đơn giá cấp phối đá dăm loại 2 đơn vị tính bằng 0,9 giá cấp phối đá dăm loại 1 là không có căn cứ; giá trúng thầu tại nhiều gói thầu sai lệch tăng so với dự toán tính lại.

Cũng theo kết quả kiểm toán, việc quản lý chi phí đầu tư Dự án còn một số sai sót với giá trị gần 12,5 tỷ đồng (bằng 3,14% giá trị chi phí thực hiện được kiểm toán). Nguyên nhân do đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu tổ chức việc quan trắc lún nhưng không sử dụng số liệu quan trắc để tính toán bù lún; khối lượng xử lý sình lún mặt đường cũ không thể hiện đầy đủ trên bản vẽ hoàn công; không có bản vẽ hoàn công phần rãnh thoát nước và việc xuất hóa đơn của nhà thầu chưa đầy đủ, kịp thời so với thời điểm nghiệm thu thanh toán. Trong công tác thanh, quyết toán, đại diện chủ đầu tư chưa thu hồi hết số tiền hơn 9,8 tỷ đồng đã tạm ứng cho hai nhà thầu; công tác quyết toán gói thầu hoàn thành còn chưa kịp thời, chưa tuân thủ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý vốn đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn NSNN và trái phiếu chính phủ.

Căn cứ thực tế kiểm toán Dự án, KTNN kiến nghị xử lý tài chính đến ngày 31/3/2018 đối với Tổng công ty Cửu Long gần 8,2 tỷ đồng; đồng thời yêu cầu đơn vị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tập thể và cá nhân liên quan đến những hạn chế đã được KTNN chỉ ra; khẩn trương thu hồi số tiền đã tạm ứng cho hai nhà thầu. KTNN kiến nghị Bộ GTVT sớm làm việc với Bộ Xây dựng để cho ý kiến về định mức thi công giếng cát D400 chưa có trong hệ thống định mức xây dựng, tạo điều kiện cho công tác quản lý tại Dự án trong thanh, quyết toán; cân đối, bố trí nguồn vốn để thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản của Dự án.

Theo KTNN, đến thời điểm 31/3/2018, nợ đọng xây dựng cơ bản của Dự án này là hơn 53,2 tỷ đồng, trong đó, nợ các đơn vị thi công xây dựng hơn 47,8 tỷ đồng, nợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tại Long An hơn 5,4 tỷ đồng. Tổng công ty Cửu Long đã lập kế hoạch vốn đề nghị bố trí vốn để thanh toán nhưng chưa được bố trí vốn.