Kế toán phải làm gì để "sống sót" trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?


Tại Việt Nam, công tác kế toán, kiểm toán hiện nay chủ yếu được thực hiện trên hồ sơ, giấy tờ. Trong khi đó, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi phương thức, quy trình kế toán, trong đó biểu hiện rõ nhất là việc chuyển hóa toàn bộ các dữ liệu đó trở thành thông tin điện tử, công nghệ blockchain sẽ trở thành “sổ cái” khổng lồ. Do đó, bên cạnh những cơ hội, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ tạo ra không ít thách thức, khó khăn đối ngành nghề kế toán và công việc của kế toán viên tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thách thức đối với lao động kế toán

Với chuyên ngành Kế toán hiện nay, các cơ sở đào tạo tại Việt Nam vẫn đào tạo theo hướng truyền thống, chương trình đào tạo chưa gắn liền với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp (DN), nặng về lý thuyết, chưa đi sâu vào thực hành. Nhiều cơ sở đào tạo vẫn chưa tổ chức được mô hình kế toán mô phỏng, để cho các sinh viên tiếp cận được công việc kế toán trong thực tế. Hiện, phương thức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, lao động Việt Nam đã qua đào tạo mặc dù được đánh giá là nhanh nhẹn, sáng tạo và có thể đáp ứng được nhu cầu… nhưng lại thiếu và yếu kỹ năng mềm, đặc biệt là tư duy phản biện, sáng tạo, tuân thủ công nghệ chưa cao... từ đó làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường lao động, việc làm.

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 nói chung và công nghệ blockchain nói riêng sẽ loại bỏ một số nghiệp vụ, nhưng đồng thời cũng tạo ra những công việc mới, hoặc nghiệp vụ mới. Như vậy, những kiến thức đào tạo trong trường đại học, thậm chí những thực tiễn hành nghề chưa chắc đã đảm bảo được cho kế toán viên.

Do vậy, kế toán viên không chỉ nắm rõ lý thuyết, thành thạo thực hành, am hiểu công nghệ mà còn phải nắm bắt được các xu thế, hình dung được các quy trình kế toán mới trong quá trình làm việc.

Theo nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, lao động Việt Nam đã qua đào tạo mặc dù được đánh giá là nhanh nhẹn, sáng tạo và có thể đáp ứng được nhu cầu… nhưng lại thiếu và yếu kỹ năng mềm, đặc biệt là tư duy phản biện, sáng tạo, tuân thủ công nghệ chưa cao... từ đó làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường lao động, việc làm.

Trong khi đó, công nghệ đám mây và dữ liệu lớn lại mang đến những lợi ích to lớn cho lĩnh vực kế toán nhờ khả năng lưu trữ, đảm bảo an ninh mạng... điều này đang đe dọa đến triển vọng nghề nghiệp kế toán viên hoặc công việc liên quan.

Một số giải pháp hỗ trợ lao động trong lĩnh vực kế toán ở Việt Nam

Để góp phần hỗ trợ lao động trong lĩnh vực kế toán ở Việt Nam hội nhập và phát triển trong bối cảnh CMCN 4.0, cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, các cơ quan quản lý cần có chiến lược và khung khổ pháp lý rõ ràng, đồng bộ trong việc ứng dụng thành tựu của CMCN  4.0 vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung và kế toán nói riêng, qua đó góp phần định hướng cũng như tăng cường áp dụng các phương pháp và CNTT hiện đại, chuẩn hóa chuyên môn... trong hoạt động nghề nghiệp.

Qua đó, tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược đào tạo kế toán viên theo “Chiến lược Kế toán - Kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030” của Chính phủ nhưng cần tính đến những tác động, ảnh hưởng của thành tựu CMCN 4.0 đối với ngành nghề kế toán.

Hai là, các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu, phân tích đặc điểm của CMCN 4.0 để đề xuất, kiến nghị đổi mới trên tất cả các mặt, đặc biệt là đổi mới phương pháp đào tạo; nâng cao đổi mới chất lượng giáo trình với các kiến thức, gắn với xu hướng phát triển của CMCN 4.0 vào công tác kế toán.

Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình kế toán mô phỏng, để giúp cho sinh viên có thể tiếp cận được công việc kế toán trong thực tế. Trong đó, chương trình mô phỏng cần đưa vào phần kế toán; chứng từ, chữ ký, khai thuế, nộp thuế, hóa đơn điện tử để các sinh viên rèn luyện kỹ năng thực hiện kế toán trong thực tế...

Ba là, cộng đồng DN cần có chính sách, chế độ đãi ngộ, lương thưởng hợp lý́ để tìm kiếm và giữ chân được những kế toán viên có năng lực. Các DN cần phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo đại học trong việc định hướng đào tạo theo nhu cầu thị trường và các lĩnh vực, chuyên ngành đặc thù.

Bốn là, cần cải thiện năng lực cũng như khả năng của người lao động để đáp ứng điều kiện hành nghề quốc tế, nâng cao vị thế bản thân và mở rộng phạm vi hành nghề trong bối cảnh mới. Mỗi kế toán viên cần cập nhật kiến thức, trình độ để tiếp cận với các thành tựu của CMCN 4.0.

Các nghiên cứu cho thấy, CMCN 4.0 đã, đang tạo ra những thay đổi quan trọng đối với kế toán quản trị và người làm công tác kế toán quản trị. Trong tương lai, các DN cần các chuyên gia kế toán nhiều hơn là các kế toán viên, vì thế các kế toán phải là người có trình độ chuyên môn kế toán cao, có khả năng làm việc độc lập, có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng.