Nghề kế toán, kiểm toán trước những thách thức đổi mới

Đức Việt

Thực tiễn Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán tại các nước phát triển ở khu vực và toàn cầu, đòi hỏi kế toán viên, kiểm toán viên Việt Nam cần nhận thức để có thể tận dụng được tối đa các cơ hội và sẵn sàng ứng phó với các thách thức đặt ra.

CMCN 4.0 tạo ra sự cạnh tranh lớn giữa các DN cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán.
CMCN 4.0 tạo ra sự cạnh tranh lớn giữa các DN cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán.

Tạo cạnh tranh lớn giữa các DN cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán

Tham luận tại hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa” mới đây, theo TS. Nguyễn Thu Hoài - Khoa Kế toán (Học viện Tài chính), CMCN 4.0 tạo ra nhiều cơ hội cho nghề kế toán, kiểm toán của Việt Nam nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Trong đó, một số vị trí công việc truyền thống của nghề kế toán, kiểm toán sẽ biến mất, ngành nghề bị mai một dần. Ứng dụng Robot thông minh, trí tuệ nhân tạo, máy học, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, các hệ thống tự động nhập dữ liệu, xử lý dữ liệu… đã thay thế dần nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán.

Cùng với đó, các kỹ thuật, phương pháp truyền thống dần được thay thế bằng các kỹ thuật, phương pháp mới phù hợp với hạ tầng công nghệ thông tin mà doanh nghiệp (DN) sử dụng. CMCN 4.0 đòi hỏi các kế toán viên, kiểm toán viên phải kiểm soát được toàn bộ các hệ thống tự động đó, hiểu rõ có những thủ tục kiểm soát nào đã được đặt sẵn trong hệ thống và còn thiếu những chốt kiểm soát nào, quy trình tự động nào là không phù hợp với thực tế hoạt động tại DN cần phải cải tiến, các thủ thuật nào được sử dụng trong hệ thống để biến đổi, thao túng số liệu trong hệ thống...

TS. Hoài cho cho rằng, ứng dụng CMCN 4.0 đòi hỏi mức đầu tư tài chính lớn cho hệ thống và hạ tầng công nghệ thông tin để tương thích với những công nghệ mới. Đầu tư cho các thiết bị công nghệ sẽ giúp mang lại nhiều hiệu quả, tuy nhiên chi phí đầu tư là vấn đề mà các DN cần phải quan tâm.

“CMCN 4.0 tạo ra sự cạnh tranh lớn giữa các DN cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán. Trong quá trình này các DNNVV có nguy cơ giảm thị phần do các DN lớn có nguồn lực về công nghệ thâu tóm khách hàng cũng như sự cạnh tranh của các DN cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán xuyên quốc gia. Đồng thời, vấn đề về bảo mật, an toàn dữ liệu, sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số sẽ làm tăng những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao hoạt động…”- TS. Hoài cho hay.

Cần đẩy nhanh lộ trình hoàn thiện hệ thống pháp lý

Khuyến nghị giải pháp phát triển nghề kế toán, kiểm toán Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, TS. Hoài cho rằng, Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện hệ thống khung pháp lý về kế toán, kiểm toán trong điều kiện CMCN 4.0. Cụ thể, cần đẩy nhanh lộ trình hoàn thiện hệ thống khung pháp lý về kế toán, kiểm toán trên cơ sở thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Nhà nước cần đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin một cách đồng bộ, kịp thời, đáp ứng xu thế phát triển của hệ thống số toàn cầu và tạo điều kiện cho việc ứng dụng hiệu quả CMCN 4.0 vào lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Đặc biệt, chú trọng xây dựng hệ thống an ninh mạng, đảm bảo bảo mật cao thông tin dữ liệu kế toán, kiểm toán.

Còn đối với DN cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán nói riêng chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 trong quy trình kế toán, kiểm toán như: ứng dụng công nghệ nhận dạng hình ảnh và học máy (machine learning) giúp cho việc nhập dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tự động phân loại và định khoản giao dịch, ứng dụng các phần mềm hỗ trợ chọn mẫu kiểm toán, phần mềm kiểm toán...

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo kế toán, kiểm toán cần có những thay đổi trong quan điểm đào tạo. Đào tạo không xuất phát từ những gì mình có mà phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, yêu cầu của thời đại công nghệ số với nền kinh tế số và Chính phủ điện tử, đó là cung cấp nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán có chất lượng cao cho xã hội.

Còn theo TS. Nguyễn Thị Lan Anh - Trường Đại học Kinh tế quốc dân, để lĩnh vực kế toán, kiểm toán phát triển theo đúng chuẩn mực nghề nghiệp, cần tăng cường quản lý đạo đức hành nghề. Đây là công việc cần thiết để nâng cao vị thế và chất lượng nghề nghiệp của kế toán viên, kiểm toán viên Việt Nam.

Đồng thời, nâng cao vai trò của tổ chức nghề nghiệp trong nước qua việc hợp tác đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề và quản lý hành nghề. Điều này yêu cầu kế toán viên, kiểm toán viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn, các quy định về quản trị DN...