Vai trò của kế toán trong chiến lược dữ liệu lớn của các doanh nghiệp Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 Tháng 3/2020

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và ứng dụng dữ liệu lớn, nhiệm vụ của kế toán viên trong doanh nghiệp hiện nay không chỉ đơn thuần là thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin theo cách truyền thống mà còn cần tham gia tích cực vào quy trình, chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Dữ liệu lớn cung cấp khả năng thu thập thông tin kế toán nhanh chóng và chính xác .
Dữ liệu lớn cung cấp khả năng thu thập thông tin kế toán nhanh chóng và chính xác .

Bài viết sử dụng phương pháp tổng hợp và phân tích logic để xác định nhu cầu nguồn nhân lực kế toán và định hướng đào tạo đối với ngành học này tại Việt Nam.

Dữ liệu lớn trong hoạt động kế toán

Dữ liệu lớn là thuật ngữ để chỉ tập hợp dữ liệu có kích thước vô cùng lớn hoặc vô cùng phức tạp vượt xa khả năng của các công cụ phần mềm xử lý dữ liệu truyền thống với 3 đặc trưng: Khối lượng dữ liệu, tốc độ xử lý dữ liệu và đa dạng dữ liệu. Lợi ích của dữ liệu lớn mang lại cho doanh nghiệp (DN) rất đa dạng như: Dự báo nhu cầu sản phẩm giúp DN tạo thế chủ động trong các chiến dịch cạnh tranh, phân tích khách hàng giúp DN nắm bắt được sự hài lòng và đánh giá khả năng trung thành của khách hàng, phân tích hoạt động giúp DN nắm được hoạt động của mình, quản lý tài sản, vận hành linh hoạt các chiến lược kinh doanh và sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên DN…

Dữ liệu lớn cung cấp khả năng thu thập thông tin nhanh chóng và chính xác hơn có vai trò quan trọng, hỗ trợ cho việc đánh giá chiến lược. Chiến lược có tầm nhìn dài hạn, với sự hỗ trợ của công nghệ dữ liệu giúp DN có khả năng đánh giá nhanh sơ bộ chiến lược của DN giúp họ có những thay đổi, bổ sung, điều chỉnh chiến lược kịp thời, bên cạnh đó tạo ra khả năng thay đổi quyền lực và cơ cấu tổ chức quản lý của DN.

Theo nhà tư vấn công nghệ và chiến lược kinh doanh Bernard Marr, tác giả cuốn sách “Chiến lược dữ liệu”, có 2 cách để tận dụng dữ liệu: (i) Sử dụng dữ liệu để cải thiện tình hình kinh doanh hiện tại và cách ra quyết định kinh doanh; (ii) Sử dụng dữ liệu để chuyển đổi cách thức DN vận hành. Để cải thiện khả năng ra quyết định, các DN phải bắt đầu bằng một chiến lược dữ liệu. Nếu có chiến lược dữ liệu, toàn bộ quá trình sử dụng dữ liệu của DN sẽ trở nên mạch lạc, DN có cơ hội tiến về phía trước.

Hiện nay, cụm từ “Dữ liệu lớn” xuất hiện hàng ngày, len lỏi vào trong cuộc sống cùng với vạn vật kết nối, tuy nhiên sự am hiểu và vận dụng dữ liệu lớn của các DN Việt Nam còn đang ở giai đoạn “sơ khai”. Rõ ràng, việc chuyển đổi số, xây dựng một dữ liệu đủ lớn và vận dụng chúng để tạo lập lợi thế DN là một quá trình mà đòi hỏi DN Việt Nam phải có sự quan tâm đúng mực, một chiến lược dữ liệu chi tiết mà các DN cần phải để tâm và bắt đầu ngay nếu không muốn tụt hậu. Tuy nhiên, nhìn chung ở Việt Nam, DN tận dụng dữ liệu lớn ở mức độ thấp, chủ yếu là tận dụng gián tiếp thông qua dịch vụ của các "ông lớn" công nghệ như: Google, Facebook. Rất ít DN có khả năng tự thu thập và xử lý dữ liệu lớn.

Chiến lược của doanh nghiệp và sự tham gia của kế toán vào quản trị chiến lược

Do thị trường luôn biến động, nhu cầu của người tiêu dùng cũng luôn thay đổi, vì vậy nếu không xây dựng chiến lược kinh doanh sẽ không có được hướng đi đúng đắn và thích hợp với hoàn cảnh mới. Việc xây dựng chiến lược kinh doanh rõ ràng, đúng đắn phù hợp với nguồn lực DN ngoài việc thúc đẩy hoạt động, tạo ra thành tựu của DN mà còn hướng tất cả mọi người trong DN về cùng một đích đến chung.

Quản trị chiến lược là một quá trình sắp xếp linh hoạt các chiến lược, tình hình hoạt động và kết quả kinh doanh, nó bao gồm nhân lực, lãnh đạo, kỹ thuật và cả phương pháp xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh. Sự kết hợp có hiệu quả của những nhân tố này sẽ trợ giúp cho DN có phương hướng chiến lược và cung cấp dịch vụ hoàn hảo. Đây là một hoạt động diễn ra liên tục để xác lập, duy trì phương hướng chiến lược và hoạt động kinh doanh của DN. Quá trình ra quyết định diễn ra hàng ngày để giải quyết những tình huống đang thay đổi và những thách thức trong môi trường kinh doanh, DN cần phải ứng phó có hiệu quả trước những thách thức nảy sinh, gồm cả những khó khăn và cơ hội. Thời đại công nghệ 4.0 hiện nay là một trong những yếu tố mang đến cơ hội và thách thức đối với các mỗi DN dù lớn hay nhỏ. Đó là động lực tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN nhưng nếu không quan tâm đúng mức, cũng là rào cản, DN sẽ bị tụt hậu và đào thải.

Trong một đánh giá các đề xuất cấu hình phù hợp. S. Cadez và C. Guilding (2012) phân tích các DN có kế toán quản trị phát triển, có khả năng phục vụ nhu cầu chiến lược của DN đều có sự tham gia cao của kế toán viên trong hoạt động chiến lược. Điều này sẽ tạo nên độ tinh vi tương đối của hệ thống kế toán quản trị của DN và điều này cũng phù hợp với chiến lược của loại DN tìm kiếm năng động, điều này cũng phù hợp với nghiên cứu của Palmer và Bromwich (2000), nó giúp đưa ra các quyết định có chủ ý và định hướng thị trường.

Bên cạnh đó, kế toán tham gia vào các quy trình quản lý chiến lược có nhiều hơn một kỳ hạn xã hội học. Trong môi trường cạnh tranh hiện này, các DN ngày càng tập trung vào việc cung cấp giá trị cho khách hàng, điều này đang kích hoạt việc làm phẳng cấu trúc DN thông qua việc tích hợp các hoạt động tập trung vào khách hàng, hoạt động này được nâng cao trong chuỗi giá trị. Với việc tổ chức theo chiều ngang, kế toán quản trị cũng tham gia vào các nhóm quản lý ra quyết định, tuy nhiên không giống như các đối tác thông thường khác của nhà quản trị, kế toán quản trị chiến lược không còn được nhìn nhận đơn thuần là nhà cung cấp thông tin nữa, mà giờ đây họ đại diện cho những người đóng vai trò tích cực trong quy trình quản lý chiến lược (Yi và Tayes, 2009).

Theo Atkinson, A. A. và các đồng nghiệp (1997), ra quyết định sử dụng thông tin kế toán quản trị xảy ra trong nhiều cài đặt quyết định và việc xây dựng các hệ thống kiểm soát và khuyến khích hiệu quả đòi hỏi sự hiểu biết về cách thông tin được cung cấp từ hệ thống kế toán quản trị ảnh hưởng đến việc ra quyết định. Việc ra quyết định đòi hỏi chúng ta phải giải quyết các nhu cầu của việc đưa ra quyết định từ hệ thống kế toán và được áp đặt bởi hệ thống kế toán, có lẽ vấn đề này sẽ được giải quyết tốt nhất bằng cách tập trung và đúng chuyên môn của kế toán, chính là một “mảnh ghép” quan trọng của quá trình ra quyết định.

Ngày nay, kế toán không phải chỉ là người cung cấp thông tin thông thường nữa mà họ còn tham gia vào quy trình chiến lược, với thời đại dữ liệu lớn, bản chất của kế toán và báo cáo tài chính không thay đổi nhưng các phương pháp truyền thống như ghi nhận, tập hợp và phân tích thông tin kế toán thay đổi. Dữ liệu lớn và phân tích đưa ra một vấn đề cấp bách và đồng thời là cơ hội thật sự cho kế toán viên làm việc trong lĩnh vực điều tra và định giá (Kaya, I., & Akbulut, D. H. , 2018). Không chỉ là đối tượng thụ hưởng lợi ích của dữ liệu lớn, kế toán viên là người có khả năng mạnh mẽ để xác định nhu cầu thông tin và kiểm soát của những người ra quyết định nội bộ và bên ngoài, nên họ có vai trò quan trọng trong quản trị thông tin dữ liệu lớn. Họ có thể tiếp cận từ một mô hình của vòng đời dữ liệu lớn để hỗ trợ quá trình chuyển đổi dữ liệu lớn thành thông tin hữu ích.

Việc kế toán tham gia ngày càng nhiều vào quy trình chiến lược làm thay đổi cấu trúc tổ chức của DN theo chiều ngang. Cùng với những thay đổi cần thiết theo hướng tiếp cận dữ liệu lớn, DN cũng sẽ đối mặt với những thay đổi về chi phí, thiết kế, kiến trúc lưu trữ dữ liệu lớn… Thay đổi cấu trúc chi phí bị ảnh hưởng bởi sự phát triển về cách sử dụng dữ liệu, thông tin và kiến thức (Bhimani, A.&Willcocks, L., 2014). Điều này cần sự quan tâm, tham gia tính cực của kế toán với vai trò thành viên trong chiến lược dữ liệu lớn của DN.

Khi đề cập đến chiến lược dữ liệu lớn, tác giả bài viết không nhằm khuyến khích các DN cần mở một dữ liệu lớn của riêng mình vì DN khó tự mình phát triển hay mua các giải pháp để khai thác dữ liệu lớn khi giá thành của chúng quá cao mà chỉ cần DN biết cách cũng như tập trung khai thác một cách có hiệu quả dữ liệu lớn, giúp tăng lợi nhuận cho chính DN.

Vấn đề đặt ra đối với nghề Kế toán ở Việt Nam

Kế toán đóng vai trò là một trong những người tham gia vào dự án dữ liệu lớn. Để làm được điều này người là kế toán phải am hiểu, đủ kiến thức cần thiết cho việc đề xuất và tham gia hiệu quả. Kế toán viên phải trang bị đầy đủ kiến thức chuyên ngành mang tính phổ quát để có cái nhìn tổng thể trong việc xác định thông tin nào là cần thiết cho việc ra quyết định cụ thể. Trong quá trình sử dụng dữ liệu lớn, nếu không nắm chắc và phân tích được nội dung cần thiết để chọn lọc trong quá trình sử dụng dữ liệu lớn thì thông tin nhiều cũng không mang lại giá trị cao cho quá trình ra quyết định.

Kế toán viên là người không chỉ phải am hiểu kiến thức theo ngành dọc mà cần có kiến thức theo chiều ngang. Việc sử dụng và phân tích dữ liệu lớn là sự kết hợp của nhiều ngành học đặc biệt là kiến thức về công nghệ, kiến thức xã hội, tâm lý… Các dữ liệu được tạo ra hàng ngày, hàng giờ với tốc độ cao, khối lượng dữ liệu nhiều gồm cả những dữ liệu “bẩn” hoặc các dữ liệu “kỳ thú”, nhưng không mang lại giá trị, các dữ liệu này có thể chồng chéo, nội dung thông tin mà DN cần có thể ẩn trong một thông tin khác có liên quan… Việc có được kiến thức theo ngành rộng sẽ giúp kế toán có được thông tin như ý có thể chỉ dựa trên những chỉ tiêu đã được thu thập và phân tích chứ không cần đòi hỏi một chỉ tiêu riêng biệt.

Theo đó, kế toán viên cần có kỹ năng nhận thức quan trọng cần thiết để tiến hành phân tích dữ liệu lớn hiệu quả. Theo đó, kế toán viên cần tiếp cận phân tích dữ liệu lớn bằng cách đặt câu hỏi hay trong các lĩnh vực hoạt động của DN và lĩnh vực phân tích dữ liệu (McKinney Jr, E.và đồng nghiệp, 2017). Do đó, việc đào tạo phải tạo điều kiện cho sinh viên kế toán trở thành những người hoài nghi có hiểu biết trong kỷ nguyên của dữ liệu lớn.

Kế toán viên cần có được kỹ năng thích ứng với sự thay đổi công nghệ vì kế toán là hoạt động thu thập, xử lý thông tin, đo lường, phân tích và báo cáo. Công nghệ mới sẽ giúp cho công việc kế toán nhẹ nhàng hơn, được sử dụng để tự động hóa các quy trình và phương pháp thủ công hiện có. Do đó, kế toán viên cần được chuẩn bị đầy đủ kỹ năng để có khả năng ứng dụng những thay đổi này như việc tăng khả năng tiếp cận dữ liệu hiện có, bản chất của xử lý dữ liệu thay đổi, thay đổi chỉ tiêu và tần số đo lường, một số thay đổi có thể xảy ra đối với việc báo cáo thông tin, và đặc biệt là bản chất công việc của kế toán viên sẽ có những thay đổi nhất định. (Qi Liu and Miklos A. Vasarhelyi, 2014)

Cuối cùng, người sử dụng, phân tích, khai thác dữ liệu lớn cần chú ý vấn đề đạo đức. Việc thu thập dữ liệu lớn có thể sẽ đi kèm thông tin có khả năng định dạng người dùng mà không được sự đồng ý của họ. Điều đó vi phạm luật ở một số quốc gia, ví dụ như: Liên minh châu Âu đã thông qua “Quy định bảo vệ dữ liệu chung” (GDPR). Có hiệu lực từ tháng 5/2018, quy định trên giới hạn các dữ liệu mà các tổ chức có thể thu thập và cần có sự đồng ý từ các cá nhân.

Vì vậy, các cơ sở đào tạo ngành kế toán cần chủ động đổi mới quá trình đào tạo, điều kiện tiên quyết là xây dựng chương trình đào tạo với tiêu chuẩn đầu ra đạt yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ hướng tới mục tiêu tuân thủ các Chuẩn mực đào tạo quốc tế. Cần chủ động và nhanh chóng đưa chuẩn mực kế toán quốc tế vào chương trình đào tạo, đặc biệt là chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế để người học tăng dần các cấp độ nhận thức (nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá). Bên cạnh đó, cần nâng cao tính thực hành cho sinh viên thông qua việc liên kết với DN. Gắn giảng dạy với thực tiễn sẽ giúp sinh viên ngành Kế toán tự tin hơn khi tiếp cận với thực tế. Ngoài ra, cần chủ động nâng cao đào tạo trong học phần hệ thống thông tin kế toán và kỹ thuật lập trình, khai thác cơ sở dữ liệu cho chuyên ngành Kế toán; Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức nghề nghiệp trong nước và quốc tế để tăng cường hiệu quả và hiệu lực trong đào tạo kế toán.

Tài liệu tham khảo:
1. Cadez, S., & Guilding, C. (2012), Strategy, strategic management accounting and performance: a configurational analysis. Industrial Management & Data Systems.;
2. Atkinson, A. A., Balakrishnan, R., Booth, P., & Cote, J. M. (1997), New directions in management accounting research. Journal of management accounting research, 9, 79;
3. Ma, Y., & Tayles, M. (2009), On the emergence of strategic management accounting: an institutional perspective. Accounting and Business Research, 39(5), 473-495;
4. Kaya, I., & Akbulut, D. H. (2018), Big data analytics in financial reporting and accounting. PressAcademia Procedia, 7(1), 256-259;
5. Coyne, E. M., Coyne, J. G., & Walker, K. B. (2018), Big Data information governance by accountants. International Journal of Accounting & Information Management;
6. Bhimani, A. (2015), Exploring big data's strategic consequences. Journal of Information Technology, 30(1), 66-69.